Cảm nghĩ tháng Bảy

Không biết vì sao trong tháng Bảy có nhiều ngày kỷ niệm đến thế. 

Nếu điểm lại theo thời gian thì đó là quốc khánh Mỹ 4/7; 12/7 vừa tròn 25 năm nước ta và Mỹ kiến lập quan hệ ngoại giao; 14/7, người Pháp mừng ngày quốc khánh và ngày đó cũng kỷ niệm 20 năm nước ta và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương; 20/7/1954 đánh dấu Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký; 23/7 vừa tròn 40 năm anh hùng Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên bay lên vũ trụ; 27/7 là ngày thương binh, liệt sỹ; 28/7 vừa tròn một phần tư thế kỷ nước ta trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

Sự trùng hợp ấy hoàn toàn ngẫu nhiên. Tiếng vậy, nếu nối chúng với nhau thì sẽ hiện lên mối quan hệ nhân - quả giữa các sự kiện trong tháng Bảy. Ta hãy thử làm việc đó xem sao.

Tuyên ngôn độc lập của Mỹ được thông qua 244 năm trước là một văn kiện tiến bộ khi khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Chẳng thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích đoạn này để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên đọc ngày 2/9/1945, đánh dấu sự ra đời của nhà nước dân chủ đầu tiên trong thế giới thuộc địa.

Với tinh thần rộng mở, Người đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng "làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với ai" và coi "ngũ cường", trong đó có Mỹ, là "bạn bè". Trong vòng chưa đầy hai năm, Người đã gửi tới 8 bức điện cho Tổng thống nước này bày tỏ lòng mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Tiếc rằng, thiện chí ấy đã không được giới cầm quyền Mỹ hưởng ứng. Hơn thế nữa, họ đã đi ngược lại chính lời thề độc lập của các tiền nhân, giúp thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, rồi trong vòng hai chục năm đã trực tiếp xâm lược Việt Nam hòng tước đoạt "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của nhân dân ta.

Điều gì phải đến đã đến: năm 1973, theo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ buộc phải rút toàn bộ quân đội và khí tài quân sự ra khỏi miền Nam Việt Nam; công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tiếp đó là những năm tháng bao vây, cô lập Việt Nam xen lẫn các cuộc thương lượng đầy cam go đưa tới sự kiện 12/7/1995, khi hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao sau 50 năm Mỹ bỏ lỡ cơ hội. Đúng năm năm sau, cũng vào tháng Bảy, ngày 14, hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương, đưa Mỹ lên hàng đầu danh sách các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Dựa trên hai trụ cột: "ngoại giao" và "thương mại", sự giao lưu Việt - Mỹ lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng - an ninh. Cá nhân tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ đặt chân lên đất Mỹ, càng không thể có chuyện vào Lầu Năm góc - biểu hiện sức mạnh quân sự, sào huyệt của quân đội Mỹ từng ném bom bắn phá nước ta suốt hai chục năm trời. Nhưng rồi, trong quá trình cải thiện quan hệ giữa hai nước, tôi đã có dịp đặt chân vào "cái hang cọp" này để bàn về khả năng mở ra sự hợp tác cả trong lĩnh vực quốc phòng. Đúng là vật đổi sao dời!

Quan hệ Việt - Pháp cũng trải qua con đường tương tự. Đi ngược lại bản Tuyên ngôn 1791 về nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong Tuyên ngôn Độc lập: "Người ta sinh ta tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi", các thế lực thực dân Pháp đã tiến hành cuộc "chiến tranh bẩn thỉu" suốt 9 năm ròng chống lại các quyền dân tộc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Rồi cuối cùng, Hiệp định Genève ký ngày 20 cũng tháng Bảy năm 1954 cũng phải công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và nay trở thành "Đối tác chiến lược" của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đổi mới.

Một sự kiện lịch sử nữa cũng diễn ra vào tháng Bảy. Đó là ngày 28 tháng Bảy 25 năm trước đây, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên và tung bay trên bầu trời xanh ngắt tại Brunei, báo hiệu Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, mở đầu quá trình mở rộng Hiệp hội ra toàn khu vực. Lời tuyên bố của Bác Hồ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, coi "các nước châu Á là anh em" đã thành hiện thực.

Được chứng kiến sự kiện này vào buổi chiều lịch sử ấy và 5 năm sau, cũng vào tháng Bảy, đứng trong Vườn Hồng tại Nhà Trắng, tôi cùng các cộng sự nghe Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố với toàn thế giới sự kiện hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương. Tiếp tôi trước đó, ông đã nói: "Chính tại đây Tổng thống F.Roosevelt đã nhắc tới một nước Việt Nam độc lập". Tất cả anh em Việt Nam có mặt tại các sự kiện trên, không ai bảo ai đều xúc động nhớ tới biết bao chiến sỹ, đồng bào, nam thanh nữ tú của nước ta đã hy sinh để đất nước có vị thế quốc tế như vậy.

Quả thật, đằng sau những câu chuyện vật đổi sao dời liên tiếp diễn ra vào tháng Bảy, những ngày này trong tôi, các suy nghĩ lại tràn về. Xương máu của biết bao nam nữ anh hùng đất Việt đã đổ xuống. Niềm đau thương khôn nguôi của biết bao người mẹ, người cha, người vợ, người chồng khắp mọi miền đất nước vẫn day dứt ngày đêm để nước ta có được cơ đồ hôm nay. Lòng biết ơn sâu nặng đối với họ không chỉ được thể hiện trong ngày 27/7 mà ăn sâu vào tâm khảm của mọi người Việt Nam, thúc đẩy chúng ta làm mọi việc có thể vì giang sơn này.

Vũ Khoan

cam nghi thang bay Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ, 52 năm chiến thắng Đồng Lộc
cam nghi thang bay Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thăm hỏi, tri ân Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh tiêu biểu
cam nghi thang bay Cả nước đón mưa nhiều, dự báo có bão trong tháng Bảy
cam nghi thang bay 5 quán chay cho ngày rằm tháng bảy ở Sài Gòn

/ vnexpress.net