Cả thế giới đề phòng Omicron, riêng Trung Quốc chỉ lặng lẽ quan sát

Hôm 28/11, các chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc cho biết nước này không có kế hoạch siết chặt các hạn chế để ngăn chặn biến chủng Omicron.

Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Omicron là biến chủng “đáng lo ngại” vào ngày 26/11, nhiều nước đã ngừng các chuyến bay đến và đi từ Nam Phi. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa có động thái nào để đề phòng biến chủng mới, theo ông Zhong Nanshan - một trong những chuyên gia về bệnh đường hô hấp hàng đầu Trung Quốc.

Biến thể này rất mới. Chúng tôi cần đánh giá mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan và việc liệu nó có khiến căn bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hay không hoặc liệu có cần phải phát triển một loại vaccine mới để chống lại biến chủng này hay không”, ông Nanshan cho biết.

Cả thế giới đề phòng Omicron, riêng Trung Quốc chỉ lặng lẽ quan sát - 1
Trung Quốc không có kế hoạch siết chặt các hạn chế để ngăn chặn biến chủng Omicron. (Ảnh: Reutes)

Ông Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cũng cho biết nước này sẽ chỉ quan sát biến chủng mới trong lúc duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hiện có.

Theo ông Zhang Wenhong, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Huashan, Trung Quốc sẽ mất khoảng 2 tuần để xác định xem Omicron có phải là mối đe dọa đối với khả năng miễn dịch cộng đồng hay không. Ông nói thêm, các biện pháp chống dịch hiện có của Trung Quốc “có khả năng đối phó với tất cả các loại biến chủng COVID-19 mới”, vì vậy nước này tạm thời chưa có thêm hành động nào.

Zero COVID là đủ để đối phó với Omicron

Trong khi hầu hết các nước khác trong khu vực dần chấp nhận COVID-19 như một căn bệnh lưu hành và hướng tới “sống chung với COVID” thì chính quyền Bắc Kinh vẫn áp dụng chính sách zero COVID nhằm loại trừ hoàn toàn dịch bệnh. Các biện pháp nghiêm ngặt như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại đã có hiệu quả trong việc giảm thiểu số người thiệt mạng, nhưng lại khiến Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, theo giám đốc Zhang, chính sách này đã mang lại cho Trung Quốc “lợi thế chiến lược” trong bối cảnh sự xuất hiện của biến chủng mới buộc các nước khác phải áp dụng lại các hạn chế và siết chặt quy định nhập cảnh.

Israel là quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh cấm đối với tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào nước này từ nửa đêm ngày 28/11 (theo giờ địa phương). Trong một tuyên bố trước quốc hội, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết lệnh cấm đang chờ chính phủ phê duyệt và sẽ kéo dài trong 14 ngày.

Mỹ, Canada và Úc cũng hạn chế việc đi lại đối với du khách đến từ Nam Phi. Philippines đã đình chỉ các chuyến bay từ 8 quốc gia trong khu vực này. Thái Lan cũng có động thái tương tự, đồng thời áp đặt các quy tắc kiểm dịch đối với những du khách nhập cảnh gần đây. Mới đây, Liên minh châu Âu cũng công bố kế hoạch đình chỉ các chuyến bay từ Nam Phi.

Chuyên gia Zhong Nanshan cho rằng các nhà chức trách Trung Quốc cũng cần chú ý đến lượng du khách đến từ châu Phi, nhưng không đề xuất thêm bất kỳ biện pháp nào nhằm đối phó với biến thể mới.

Cả thế giới đề phòng Omicron, riêng Trung Quốc chỉ lặng lẽ quan sát - 2
Chính quyền Bắc Kinh vẫn áp dụng chính sách zero COVID nhằm loại trừ hoàn toàn dịch bệnh. (Ảnh: Getty Images)

Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng mở cửa

Bên cạnh việc khẳng định hiệu quả của chiến lược "zero COVID", các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo rằng nếu chính quyền Bắc Kinh áp dụng phương pháp phòng dịch tương tự Mỹ, Trung Quốc có thể đối mặt với 637.155 ca bệnh mới mỗi ngày. Điều này sẽ “tác động nghiêm trọng đến hệ thống y tế của Trung Quốc và gây ra đại họa trong nội bộ quốc gia”.

Các ước tính đã tiết lộ khả năng xảy ra một đợt bùng phát khổng lồ và gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chi trả được cho hệ thống y tế”, báo cáo của các nhà toán học tại đại học Bắc Kinh viết.

Theo nghiên cứu này, nếu Trung Quốc áp dụng chiến lược chống dịch của Anh, số ca mắc COVID-19 trung bình sẽ là khoảng 275.700 ca/ngày, với 9.680 ca bệnh nặng.

Với chiến lược của Pháp, số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày sẽ lên tới 454.000 ca. Theo chính sách của Israel, con số này sẽ là khoảng 442.200 ca/ngày.

Từ các số liệu trên, các chuyên gia cho rằng hiện tại Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để chuyển sang chiến lược “mở cửa”.

Tuy nhiên, nghiên cứu không tính đến sự khác biệt về hiệu quả giữa các loại vaccine được sử dụng ở phương Tây và Trung Quốc.

Hầu hết dân số Trung Quốc được tiêm vaccine nội địa do công ty Sinovac sản xuất. Một số chuyên gia vẫn còn nghi ngờ về việc liệu loại vaccine này có cung cấp khả năng bảo vệ lâu dài như những loại vaccine được phương Tây sản xuất với công nghệ mRNA hay không.

Trần Trang ( Nguồn : SCMP )

Moderna sẽ có vaccine trị siêu biến thể Omicron vào đầu năm sau Moderna sẽ có vaccine trị siêu biến thể Omicron vào đầu năm sau
Thế giới gấp rút tìm cách đối phó với biến thể đáng sợ Omicron Thế giới gấp rút tìm cách đối phó với biến thể đáng sợ Omicron

/ vtc.vn