Ca nhiễm cộng đồng tiếp tục đạt đỉnh

Bộ Y tế sáng 11/5 công bố thêm 28 ca Covid-19, như vậy 24 giờ qua cả nước ghi nhận 153 ca bệnh, mức tăng cao nhất từ khi đại dịch xuất hiện đầu năm 2020.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 486 ca bệnh, lan ra 26 tỉnh thành.

Hà Nội xuất hiện 144 ca (trong đó riêng Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương 80 ca, Bệnh viện K 13 ca);

tiếp đến là Bắc Ninh

98, Vĩnh Phúc 60, Đà Nẵng 53, Bắc Giang 52, Hưng Yên 19, Hà Nam 16, Thái Bình 6, Hòa Bình 5, Hải Dương 6, Lạng Sơn 5, Thừa Thiên Huế 3, Quảng Nam 3, Đăk Lăk 2, Điện Biên 2, Nam Định 2, Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Yên Bái, Quảng Trị mỗi nơi một ca.

Ca nhiễm cộng đồng tiếp tục đạt đỉnh

Bộ tư lệnh thủ đô phun khử khuẩn ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đêm 9/5. Ảnh: Giang Huy.

Các địa phương tiếp tục áp dụng các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch xâm nhập, lây lan. Tại Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết dù dịch diễn biến phức tạp và có cách ly hạn chế một số điểm như một tầng chung cư, một thôn hay một bệnh viện, thành phố "không giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội".

Dự báo tình hình Covid-19 thời gian tới còn căng thẳng, ông Dũng kêu gọi người dân "không chủ quan nhưng cũng không bi quan lo lắng thái quá". Người đứng đầu cấp ủy các cấp không được ra khỏi thành phố, trường hợp đặc biệt phải báo cáo. Địa phương, đơn vị nào để cán bộ, nhân viên mắc Covid-19 do lơ là, chủ quan thì lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Tại TP HCM, đô thị đông dân nhất cả nước mới ghi nhận một ca nhiễm. Tuy nhiên chính quyền thành phố xác định đây là nơi có "nguy cơ dịch xâm nhập rất cao" vì là đầu mối giao thương của cả nước, hệ thống bệnh viện tuyến cuối và tình trạng nhập cảnh trái phép rất nhiều.

Họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM ngày 10/5, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tái lập các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ thành phố. Năm ngoái khi dịch bùng phát, TP HCM đã lập 62 chốt kiểm soát, trong đó 16 chốt chính ở các cửa ngõ. Tại các chốt này, lực lượng liên ngành kiểm tra y tế người vào thành phố, phân luồng giao thông, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19...

Ca nhiễm cộng đồng tiếp tục đạt đỉnh

Đo thân nhiệt người vào TP HCM tại trạm kiểm soát dịch trên quốc lộ 13, tháng 4/2020. Ảnh: Gia Minh.

Ngành y tế TP HCM đã dự trữ đầy đủ sinh phẩm, kit xét nghiệm với 90.000 test PCR và 30.000 test nhanh. Thành phố cũng sẽ mua thêm 200.000 test PCR Covid-19 và 100.000 test nhanh, đảm bảo đủ công suất xét nghiệm khi cần; đồng thời lên phương án chữa trị cho hơn 5.000 ca Covid-19 cùng lúc.

Tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ đã quyết định đóng cửa quần thể di tích Huế gồm đại nội, lăng tẩm vua Nguyễn từ 7h ngày 11/5 nhằm phòng chống Covid-19. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được yêu cầu xử lý môi trường, phun thuốc khử khuẩn phòng chống dịch tại các di tích.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ 8 cán bộ trong 10 ngày qua. Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết việc đình chỉ cán bộ không phải là mục tiêu mà là "giải pháp thúc đẩy chống Covid-19 hiệu quả". Theo ông, Chính phủ nhiều lần khẳng định chống dịch như chống giặc, nên "ai không làm được việc, không đáp ứng được yêu cầu chống dịch, thực hiện nhiệm vụ không kịp thời phải đứng sang một bên, để người khác làm".

Liên quan công tác tiêm vaccine, Bộ Y tế chiều 10/5 công bố nữ điều dưỡng 31 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng, bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca vào sáng cùng ngày. Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng. Sau khi tiêm, nữ điều dưỡng bị ù tai, khó thở, đã được xử lý chống sốc theo đúng phác đồ, cấp cứu.

Tuần trước, một nhân viên y tế ở An Giang tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng.

Ca nhiễm cộng đồng tiếp tục đạt đỉnh

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Ngọc Thành.

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 quốc gia ngày 10/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng, Việt Nam đang trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. Biến chủng virus của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí.

"Đúng như bối cảnh dịch hiện nay ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh. Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn", ông Long nói.

Bộ trưởng cho biết, thời điểm này phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện. Sau khi họp với các chuyên gia, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường chủ động xét nghiệm sàng lọc Covid-19 để tầm soát trong cộng đồng.

Theo đó, nếu như trước đây, ở các khu vực xuất hiện dịch mới xét nghiệm sàng lọc thì nay ngành y tế sẽ chủ động xét nghiệm diện rộng ở những vùng chưa có dịch. Điều này để sớm phát hiện, tầm soát, kịp thời khoanh vùng và chặn, dập. "Chúng tôi muốn mở rộng tối đa xét nghiệm, đổi phương thức chạy theo xét nghiệm sang tấn công, chủ động xét nghiệm", ông Long nói.

Hữu Công

Ca nhiễm cộng đồng cao nhất từ khi đại dịch xuất hiện Ca nhiễm cộng đồng cao nhất từ khi đại dịch xuất hiện
6 ca nhiễm cộng đồng, 39 ca Covid-19 nhập cảnh 6 ca nhiễm cộng đồng, 39 ca Covid-19 nhập cảnh
/ vnexpress.net