Ca Covid-19 toàn cầu vượt 79 triệu, Mỹ Latinh bắt đầu tiêm vaccine

Thế giới đã ghi nhận hơn 79,6 triệu ca nCoV và hơn 1,7 triệu ca tử vong, trong khi ba nước đầu tiên ở Mỹ Latinh bắt đầu tiêm chủng.

Thế giới ghi nhận 79.672.718 ca nhiễm và 1.747.891 người đã chết do Covid-19, tăng lần lượt 713.982 và 12.568 ca một ngày, trong khi 56.072.223 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.

Các nhân viên y tế tuyến đầu ở Mexico và Chile hôm 24/12 là một trong những người đầu tiên được chủng khi một số quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề bắt đầu triển khai các chương trình tiêm chủng đại trà.

"Đó là món quà tuyệt vời nhất mà tôi có thể nhận được năm 2020", nữ y tá người Mexico, Maria Irene Ramirez, 59 tuổi, nói khi nhận mũi tiêm tại một bệnh viện ở thủ đô vào đêm Giáng sinh. "Nó giúp tôi an toàn hơn và cho tôi thêm can đảm để tiếp tục cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình. Chúng tôi sợ nhưng chúng tôi phải tiếp tục".

Việc triển khai tiêm chủng trên truyền hình của Mexico diễn ra một ngày sau khi 3.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên được chuyển đến. Mexico hiện ghi nhận 1.350.079 ca nhiễm và 120.311 ca tử vong, là nước có số người chết do Covid-19 cao thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Tại Chile, trợ lý điều dưỡng Zulema Riquelme, 46 tuổi, là người đầu tiên nhận mũi tiêm vaccine, vài giờ sau khi 10.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên được đưa đến bằng máy bay.

"Tôi rất háo hức và hồi hộp, thật nhiều cảm xúc", cô nói sau khi được tiêm chủng trước sự chứng kiến của Tổng thống Sebastian Pinera tại thủ đô. "Bạn là niềm hy vọng của mọi người", Tổng thống Pinera nói với cô.

Mexico là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh nhận được vaccine Pfizer-BioNTech, tiếp theo là Chile cũng như Costa Rica. "Nó có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của đại dịch này", Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado nói.

Trong khi đó, Argentina đã nhận được 300.000 liều vaccine Sputnik V đầu tiên của Nga hôm 24/12 trên một chuyến bay đặc biệt từ Moskva. Đây hiện là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất phê duyệt vaccine của Nga.

4849 covid

Một phụ nữ vẫy chào chị gái mắc Covid-19 (ngồi) và các nhân viên chăm sóc qua cửa kính khi đến thăm và tặng quà GIáng sinh tại cơ sở điều dưỡng ở bang California, Mỹ hôm 24/12. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 161.195 ca nhiễm và 2.408 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 19.079.491, trong đó 336.639 người đã chết.

Tổng thống đắc cử Joe Biden tiêm vaccine Covid-19 trên truyền hình trực tiếp tối 21/12 để trấn an người dân về độ an toàn của vaccine. Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden cũng tiêm vaccine Covid-19 cùng ngày. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng Doug Emhoff dự kiến tiêm trong tuần tới.

Mỹ đã đặt mua thêm 100 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech và hàng dự kiến được giao trước 31/7/2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer-BioNTech Mỹ mua lên 200 triệu, với giá trị hợp đồng gần 4 tỷ USD. Thỏa thuận mới giúp Mỹ tăng cường nguồn cung vaccine khi nước này đang đối mặt sự gia tăng ca nhiễm lớn trên toàn quốc. CDC ngày 23/12 thông báo hơn một triệu người Mỹ đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu mới, gồm 900 triệu USD hỗ trợ Covid-19. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump chưa ký đự luật vì cho rằng mức hỗ trợ 600 USD/ người là quá thấp và đề nghị quốc hội nên sửa thành 2.000 USD.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 23.924 ca nhiễm và 350 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.147.468 và 147.128.

Giới chức Ấn Độ thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định chính phủ đã chuẩn bị đối phó với chủng nCoV mới và người dân không cần hoảng loạn.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 718 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 189.982. Số người nhiễm nCoV tăng 57.268 trong 24 giờ qua, lên 7.423.945.

Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Viện Butantan thông báo vaccine Trung Quốc CoronaVac được thử nghiệm ở nước này đã đáp ứng ngưỡng hiệu quả do cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa đặt ra. Tuy nhiên, Sinovac đã yêu cầu hoãn công bố dữ liệu hiệu quả chính xác trong tối đa 15 ngày trong khi công ty tổng hợp dữ liệu từ các thử nghiệm toàn cầu.

CoronaVac đã là chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả nó là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ.

Anh ghi nhận 2,188,587 ca nhiễm và 69,625 ca tử vong, tăng lần lượt 39,036 và 574. Hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã cấm mọi chuyến bay, hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh sau khi phát hiện chủng nCoV mới tại nước này. Các nhà khoa học Anh tin rằng biến thể mới không gây tình trạng nghiêm trọng hơn bản gốc, song nó có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 23/12 cho biết Anh ghi nhận thêm một chủng nCoV mới từ Nam Phi. Bộ Y tế Nam Phi tuần trước thông báo họ phát hiện biến chủng nCoV mới ở nước này và đó có thể là nguyên nhân gây ra sự gia tăng mạnh ca nhiễm gần đây.

Ông thông báo Anh "áp lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi ngay lập tức" và thêm nhiều khu vực ở miền đông và đông nam nước Anh được bổ sung vào danh sách chịu hạn chế Cấp 4, tương đương phong tỏa, từ ngày 26/12. Trước đó, 16 triệu dân đã chịu hạn chế Cấp 4.

Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 21.634 ca nhiễm và 290 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.527.509 và 62.268. Phủ tổng thống Pháp hôm 24/12 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron, người dương tính với nCoV vào hôm 17/12, đã hết triệu chứng Covid-19 và kết thúc thời gian cách ly 7 ngày.

Chính phủ Pháp cho biết họ đã thống nhất sẽ vẫn cho phép công dân EU từ Anh vào nước này nếu có xét nghiệm âm tính với Covid-19, bất chấp việc nCoV chủng mới đang bùng lên tại Anh.

Đức báo cáo 26.418 ca nhiễm và 554 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.614.326 và 29.681. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuần trước cho hay nước này muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "trước Giáng sinh", để có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.

Đức hôm 24/12 thông báo ghi nhận ca biến thể Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Anh, là một phụ nữ đến từ London. Berlin thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm đi lại từ Anh cho đến ngày 6/1/2021, bất chấp lời khuyên từ Ủy ban châu Âu (EC) rằng các nước thành viên trong khối nên hủy bỏ lệnh này.

Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.

Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 54.308 người chết, tăng 152, trong tổng số 1.183.182 ca nhiễm, tăng 6.178. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng thông báo tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.

Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.

Hàn Quốc báo cáo thêm 985 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 53.533, trong đó 756 trường hợp tử vong, tăng 17 ca so với một ngày trước. Số liệu này đánh dấu ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc xuống dưới 1.000, nhờ các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất cho đến nay được áp dụng trước kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới ngằm ngăn sóng Covid-19 mùa đông.

Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh), nơi sắp hết giường điều trị tích cực, cấm tụ tập từ 5 người trở lên, bắt đầu từ 23/12. Chính phủ đã chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Các biện pháp nghiêm ngặt nhất cũng được áp dụng trên toàn quốc từ 24/12. Các khu nghỉ mát trượt tuyết và địa điểm du lịch nổi tiếng đã bị đóng cửa để ngăn virus lây lan trong mùa lễ Giáng sinh và năm mới.

Dù từng được coi là hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay "vô cùng nghiêm trọng". Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết Hàn Quốc đã ký thỏa thuận với Janssen của Johnson & Johnson và Pfizer để mua vaccine Covid-19 cho 16 triệu người.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 692.838 ca nhiễm, tăng 7.199, trong đó 20.589 người chết, tăng 181. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc hôm 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ.

Philippines báo cáo 465.724 ca nhiễm và 9.055 ca tử vong, tăng lần lượt 1.776 và 7 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, một số người đang chọn nghỉ lễ một mình vì nguy cơ nhiễm virus trên các phương tiện giao thông công cộng, cũng như các quy định về kiểm dịch khiến việc đi lại tốn thời gian và tốn kém.

"Tôi gọi đồ ăn về, xem lại những bộ phim cũ và trò chuyện với gia đình qua video", Kim Patria, 31 tuổi, sống một mình ở Manila cho biết..

Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer)

Số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh vượt mức 8 triệu Số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh vượt mức 8 triệu
Khu vực Mỹ Latinh “đuối sức” trong cuộc chiến chống COVID-19 Khu vực Mỹ Latinh “đuối sức” trong cuộc chiến chống COVID-19
/ vnexpress.net