Ca Covid-19 toàn cầu hai tuần qua cao kỷ lục

Ca Covid-19 hiện ở mức trung bình 800.000 ca mỗi ngày, vượt qua kỷ lục trước đó là hơn 740.000 ca hồi tháng một.

Thế giới đã ghi nhận 152.780.565 ca nhiễm nCoV và 3.205.464 ca tử vong, tăng lần lượt 781.117 và 12.218, trong khi 130.702.034 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Ca Covid-19 toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong hai tháng. Trong hai tuần qua, số ca mới trên toàn cầu vượt qua kỷ lục trước đó hồi tháng một. Trung bình số ca mới một ngày đã vượt 800.000 trong hơn một tuần qua. Ngày 29/4, toàn cầu ghi nhận 824.304 ca mới, trong khi kỷ lục trước đó là 740.180 ca vào ngày 11/1.

Ca Covid-19 toàn cầu hai tuần qua cao kỷ lục
Bệnh nhân Covid-19 được di chuyển đến bệnh viện tại Allahabad, Ấn Độ ngày 29/4. Ảnh: AFP.

Nguyên nhân là đợt bùng phát mất kiểm soát ở Ấn Độ, nơi ca mới đã tăng mạnh trong tháng qua và không có dấu hiệu suy giảm. Trung bình ca mới hàng ngày trong 7 ngày qua đã vượt 357.000 ca vào 29/4, tăng hơn 5 lần kể từ ngày 1/4. Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 19.549.656 ca nhiễm và 215.523 ca tử vong.

Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% số ca mới trên thế giới. Tỷ lệ tử vong của đất nước cũng đi theo xu hướng tương tự, với trung bình hơn 3.000 mỗi ngày. Các nhà phân tích cho rằng những con số đó có thể chưa phản ánh được mức độ nghiêm trọng của tình hình thực tế.

Dù là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và vùng dịch thứ hai toàn cầu, cho đến cuối tháng 4, chỉ nhân viên "tuyến đầu" như nhân viên y tế, người trên 45 tuổi và người có bệnh lý nền mới được tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Covaxin do trong nước phát triển và sản xuất. Kể từ ngày 1/5, điểm tiêm chủng sẽ mở cửa cho tất cả người trưởng thành, tương đương 600 triệu người, đủ điều kiện tiêm vaccine.

Hơn 40 quốc gia cam kết gửi viện trợ y tế đến Ấn Độ. Tàu vận tải quân sự Super Galaxy của Mỹ mang theo hơn 400 bình oxy, các thiết bị bệnh viện khác và gần một triệu bộ xét nghiệm Covid-19 đã đến New Delhi hôm 30/4. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết vào ngày 1/5, họ đã nhận 150.000 liều vaccine Sputnik V từ Nga.

Các quốc gia và khu vực khác cũng đang chứng kiến những xu hướng đáng lo ngại. Uruguay, nước ghi nhận số ca mới trên đầu người cao nhất thế giới, ghi nhận gần 3.000 ca mỗi ngày - con số đáng kinh ngạc ở quốc gia 3,5 triệu dân.

Dịch hoành hành mạnh ở phần lớn Nam Mỹ. Ngoài Uruguay, Paraguay, Brazil, Peru, Argentina và Colombia đều nằm trong 20 quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới.

Một số yếu tố đã thúc đẩy sự bùng phát ở Nam Mỹ. Tại Brazil, quốc gia lớn nhất lục địa, thái độ thờ ơ của Tổng thống Jair Bolsonaro trước mối đe dọa do virus gây ra đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng, lan sang các quốc gia láng giềng. Các nghiên cứu cho thấy biến thể P.1, được phát hiện lần đầu ở thành phố Manaus của Brazil vào cuối năm ngoái, dễ lây lan hơn và dễ gây chết người hơn phiên bản trước đó.

Thành phố lớn thứ hai của Colombia, Medellín, cũng nằm trong số những nơi chứng kiến dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. Các quan chức ở đây gần như kiểm soát được nCoV vào năm ngoái. Nhưng đợt lây nhiễm thứ hai và thứ ba, vào tháng một và tháng 4, đã tàn phá thành phố. Mặc dù các quan chức đã bổ sung thêm 1.000 khu chăm sóc tích cực cho khu vực vào năm 2020, số lượng đó là chưa đủ.

Khoảng một chục quốc gia Trung và Đông Âu cũng nằm trong số 20 quốc gia ghi nhận tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất. Ca nhiễm gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến một đợt phong tỏa mới bắt đầu vào 29/4 và dự kiến kéo dài ba tuần.

Tình hình khả quan hơn ở Tây Âu, nơi ca nhiễm mới ngừng tăng hoặc đang bắt đầu giảm rất chậm ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, ca mới vẫn đặc biệt cao ở Pháp, Hà Lan và Thụy Điển.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.642.359 ca nhiễm và 104.706 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 25.670 và 192 ca. Tổng thống Emmanuel Macron thông báo các quán cà phê, địa điểm văn hóa và kinh doanh sẽ mở cửa trở lại theo nhiều giai đoạn kể từ tháng 5. Ông cũng cho biết tất cả người trưởng thành ở Pháp sẽ đủ điều kiện tiêm chủng từ 15/6, mở màn cho chiến dịch tiêm chủng mà ông hy vọng sẽ đưa đất nước trở lại bình thường.

Và ở nước láng giềng Bỉ, các nhà sản xuất bia nổi tiếng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều tháng đóng cửa, đang gấp rút đảm bảo đủ nguồn cung khi các cơ sở mở cửa trở lại vào tuần tới.

Các nước Đông Nam Á đang siết chặt hạn chế đi lại để ngăn nCoV lây lan. Philippines ghi nhận 1.046.653 ca nhiễm và 17.354 ca tử vong, tăng lần lượt 9.226 và 120 ca. Vùng đô thị Manila, tỉnh Bulacan, Rizal, Laguna và Cavite cấm di chuyển không cần thiết, tụ tập đông người và ăn uống trong nhà hàng trong hai tuần nữa kể từ ngày 1/5.

Philippines đang phải chống chọi với một trong những đợt bùng phát nCoV tồi tệ nhất ở châu Á, khi các bệnh viện và nhân viên y tế ở thủ đô Manila lâm vào tình trạng quá tải trong khi vaccine được bàn giao chậm. Tiến sĩ Rodrigo Ong, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu độc lập OCTA chuyên dự báo về xu hướng lây lan của Covid-19, cảnh báo tình hình tại Philippines có thể trở nên nghiêm trọng giống Ấn Độ.

Campuchia ghi nhận thêm 388 ca nhiễm nCoV và 3 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 13.790, trong đó 96 người đã tử vong. Tình hình dịch bệnh buộc giới chức mở rộng các "vùng đỏ", khu vực siết chặt hạn chế, trong đó người dân không được rời khỏi nhà hoặc thực hiện hoạt động bên ngoài nơi ở, chỉ được ra khỏi nhà vì lý do y tế hoặc một số trường hợp khẩn cấp.

Thống đốc Phnom Penh Khuong Sreng hồi giữa tuần ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh trong vùng đỏ, kể cả mua bán đồ ăn, nhằm kiểm soát đà lây nhiễm Covid-19.

Lào ghi nhận 64 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 821, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.

Thủ đô Vientiane bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm nCoV tăng mạnh. Cố đô Luang Prabang cũng bị phong tỏa từ ngày 25/4 đến 5/5. Lào bắt đầu truy vết các cụm dịch Covid-19 mới từ kỳ nghỉ tết truyền thống, sau khi hai người đàn ông Thái Lan và một phụ nữ quốc tịch Lào vượt biên trái phép vào tỉnh Savannakhet hôm 6/4.

Bên cạnh lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cũng yêu cầu cơ quan các cấp tiếp tục giáo dục cộng đồng về mối nguy hiểm cũng như cách bảo vệ bản thân, gia đình khỏi đại dịch Covid-19.

Phương Vũ (Theo NYTimesAFP/Reuters)

82.000 người Brazil chết vì Covid-19 trong một tháng 82.000 người Brazil chết vì Covid-19 trong một tháng

Brazil báo cáo 82.266 ca tử vong vì Covid-19 trong tháng 4, mức cao nhất hàng tháng, khi quốc gia Nam Mỹ vẫn quay cuồng ...

Chính phủ Ấn Độ bị tố phớt lờ cảnh báo Covid-19 Chính phủ Ấn Độ bị tố phớt lờ cảnh báo Covid-19

Chuyên gia cảnh báo biến thể nCoV mới dễ lây lan hơn ở Ấn Độ từ tháng 3, nhưng chính phủ bị cho là không ...

/ vnexpress.net