BV Tuệ Tĩnh nợ lương y bác sĩ 8 tháng: Giám đốc HV Y Dược học cổ truyền nói gì?

Lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lên tiếng trước việc hơn 50 y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh căng băng rôn, yêu cầu trả tiền lương nợ 8 tháng qua.

Trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho hay, lãnh đạo trường đang tích cực làm việc với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bệnh viện Tuệ Tĩnh tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về chi trả tiền lương cho các y bác sĩ.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị trực thuộc trường nhưng thực hiện cơ chế tự chủ từ tháng 1/2019, hoàn toàn độc lập về tài chính. Tuy nhiên, hai năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của bệnh viện.

"Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý 1/2021 đạt 15%, quý 2/2021 đạt 51,19% và quý 3/2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương. Đây là nguyên nhân xảy ra sự việc đáng tiếc trên.

Trước khó khăn về tài chính, tập thể lãnh đạo học viện đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ Bệnh viện Tuệ Tĩnh các khoản chi (tiền nước, tiền vệ sinh, toàn bộ tiền lương cho 67 viên chức của học viện làm nhiệm vụ kiêm nhiệm tại bệnh viện, hỗ trợ tiền giảng dạy...)", ông Huy nói.

BV Tuệ Tĩnh nợ lương y bác sĩ 8 tháng: Giám đốc HV Y Dược học cổ truyền nói gì? - 1
Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh căng băng rôn yêu cầu Bệnh viện và học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trả tiền lương nợ 8 tháng qua. (Ảnh: Đắc Huy)

Để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, học viện đã đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn, xin ý kiến Bộ Y tế và đang chờ chỉ đạo trực tiếp cụ thể từ Bộ.

Chiều qua (12/1), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.

Trước đó, ngày 11/1, hơn 40 nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cầm băng rôn ra trước cổng bệnh viện phản đối việc bị bệnh viện nợ 8 tháng lương. Một số nhân viên chia sẻ, tháng 11/2021, dù lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi về lương cho hơn 160 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhưng đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện, lương tháng 12 của nhân viên chưa được trả.

Điều khiến người lao động băn khoăn nhất là Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành hạng 3, chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y Dược học cổ truyền, hoàn toàn không đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không hiểu vì lý do gì, năm 2019 lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện trước đó.

Đặc biệt, từ khi chuyển sang tự chủ tài chính, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa có định hướng phát triển hay giải pháp cụ thể để tăng nguồn thu, tự đảm bảo tài chính. Tháng 12/2019 toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ của bệnh viện.

Ngày 19/11/2021, tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh từng đề xuất xin tạm dừng tự chủ để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ công nhân viên. Việc này chưa được chấp thuận.

HÀ CƯỜNG - ĐẮC HUY

Bị nợ lương 8 tháng, nhân viên BV Tuệ Tĩnh kêu cứu: Bộ trưởng Y tế chỉ đạo khẩn Bị nợ lương 8 tháng, nhân viên BV Tuệ Tĩnh kêu cứu: Bộ trưởng Y tế chỉ đạo khẩn
Ca mắc COVID-19 tăng vọt, Mỹ điều bác sĩ quân y hỗ trợ bệnh viện chống dịch Ca mắc COVID-19 tăng vọt, Mỹ điều bác sĩ quân y hỗ trợ bệnh viện chống dịch
Hạnh phúc ngày trở về của những “chiến sĩ áo trắng” Hạnh phúc ngày trở về của những “chiến sĩ áo trắng”

/ vtc.vn