Bốn lần suýt nổ ra đại chiến giữa Mỹ và Liên Xô

Mỹ và Liên Xô từng nhiều lần nổ ra xung đột ác liệt trên bộ và trên không, nhưng may mắn không dẫn tới chiến tranh toàn diện.

Suốt hàng chục năm Chiến tranh Lạnh, hai siêu cường hàng đầu thế giới luôn duy trì sự đối đầu gay gắt, nhưng chưa từng nổ ra chiến tranh tổng lực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là binh sĩ Liên Xô và Mỹ chưa từng giao tranh, mà ngược lại, hai bên còn nhiều lần nổ ra đụng độ gây thiệt hại lớn về người và khí tài.

Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, chính phủ Bolshevik được thành lập. Tuy nhiên, Hồng quân Liên Xô vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phong trào Bạch Vệ của những người theo Sa Hoàng nuôi hy vọng khôi phục đế quốc Nga, dẫn đến nội chiến bùng nổ.

Lo sợ ảnh hưởng của Nga lan rộng khắp châu Âu, phe Hiệp ước với 4 nước chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật quyết định hỗ trợ Bạch Vệ chống lại nước Nga Xô Viết.

bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo
Lực lượng Mỹ tiến vào thành phố Vlapostok tháng 8/1918. Ảnh: RBTH.

Tháng 8/1918, một trung đoàn bộ binh Anh đổ bộ lên Arkhangelsk ở phía bắc nước Nga nhằm chiếm thành phố này, biến nó thành bàn đạp để mở rộng các chiến dịch quân sự. Một tháng sau, Trung đoàn bộ binh số 339 và một số đơn vị khác của Mỹ với quân số 5.000 người được điều tới Arkhangelsk để hỗ trợ quân Anh trong chiến dịch mang tên "Cuộc viễn chinh Gấu Bắc Cực".

Mục tiêu của Mỹ là hội quân với 40.000 lính thuộc quân đoàn Tiệp Khắc đang kiểm soát tuyến đường sắt chiến lược xuyên Siberia. Ngay lập tức, họ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Hồng quân ở Siberia.

Hồng quân thường xuyên tập kích tuyến đường tiếp tế, khiến quân Mỹ khó giữ vững được chiến tuyến bởi địa hình đồng bằng rộng lớn của Nga khác xa với chiến tranh chiến hào ở châu Âu. Khi mùa đông khắc nghiệt tới, quân Mỹ càng bị đẩy vào thế phòng thủ, gần như không thể kết nối được với quân đoàn Tiệp Khắc.

Trong khi đó, Hồng quân tiếp tục phát động tiến công trong những tháng đầu mùa đông ở mặt trận sông Dvina, giáng đòn nặng nề vào quân Mỹ - Anh, buộc họ phải rút lui để tổ chức lại lực lượng.

Tháng 5/1919, Anh triển khai 4.000 quân tình nguyện giải nguy cho quân Mỹ ở Arkhangelsk. Lực lượng Mỹ được sơ tán cùng hầu hết quân Hiệp ước ở miền bắc nước Nga, đặt dấu chấm hết cho cuộc can thiệp quân sự. Báo cáo trong tháng 10/1919 ghi nhận Mỹ hứng chịu 210 thương vong, trong đó 110 người thiệt mạng khi giao tranh, 30 người mất tích, 70 người chết vì bệnh tật.

Khi Thế chiến II nổ ra, Mỹ và Liên Xô là đồng minh chống lại kẻ thù chung phát xít Đức. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được đụng độ nổ ra giữa lực lượng hai bên do nhầm lẫn tai hại.

Ngày 7/11/1944, một tốp tiêm kích P-38 Lightning Mỹ tấn công đoàn xe Liên Xô gần thành phố Nis thuộc Nam Tư và dẫn tới trận không chiến dữ dội trên bầu trời thành phố này.

Vào thời điểm đó, Quân đoàn Bộ binh Cận vệ số 6 Hồng quân đang truy đuổi quân Đức tới thành phố Belgrade. Đột nhiên, ba phi đội tiêm kích P-38 Mỹ với tổng cộng 27 chiếc xuất hiện, nã đạn dữ dội vào đoàn xe quân sự Liên Xô khiến 27 người thiệt mạng tại chỗ, trong đó có tướng chỉ huy Quân đoàn 6.

bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo
Tiêm kích P-38 của Mỹ trong Thế chiến II. Ảnh: USAF.

Các đơn vị phòng không và không quân Liên Xô cũng nhanh chóng triển khai để đáp trả. Nhiều tiêm kích Yak-3 xuất kích và bay cách mặt đất chỉ 20 m, sau đó tấn công đội hình chiến đấu cơ Mỹ ở độ cao 500 m. Hai bên chiến đấu dữ dội vì đều tưởng rằng đối phương là quân Đức Quốc xã.

Trận không chiến kéo dài 15 phút và chỉ kết thúc khi đại úy Alexander Koldunov của Liên Xô liều mình tiếp cận máy bay dẫn đầu phía Mỹ để ra hiệu.

Trong trận đánh này, Liên Xô mất 4 tiêm kích Yak cùng 31 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Mỹ bị bắn rơi ít nhất ba tiêm kích P-38, hai phi công cũng thiệt mạng. Sau cuộc điều tra sâu rộng, hai nước quyết định giữ bí mật về sự cố này để tránh bị Đức lợi dụng tuyên truyền. Washington sau đó cũng nhiều lần gửi lời xin lỗi tới Moskva.

Đầu thập niên 1950, bán đảo Triều Tiên chứng kiến các trận đánh đầu tiên trong kỷ nguyên tiêm kích phản lực giữa những chiếc MiG-15 Liên Xô và F-86 Mỹ.

Tháng 10/1950, Liên Xô triển khai Quân đoàn tiêm kích số 64 đến Triều Tiên khi nước này đang dần thất thủ trước cuộc tiến công của liên quân Hàn Quốc và Liên Hợp Quốc. Tiêm kích MiG-15 Liên Xô cùng hàng trăm nghìn chí nguyện quân Trung Quốc đã giúp Triều Tiên phản công, đẩy lùi đối phương.

Liên Xô sở hữu hai phi công có thành tích cao nhất trong cuộc chiến gồm Nikolai Sutyagin với 22 lần bắn rơi máy bay đối phương và Yevgeny Pepelyaev với 19 lần chiến thắng. Trong khi đó, phi công xuất sắc nhất của phía Mỹ là Joseph C. McConnell với 16 lần hạ máy bay đối phương.

Cũng trong cuộc chiến này, không quân Mỹ đã ném bom lãnh thổ Liên Xô. Ngày 8/10/1950, hai tiêm kích P-80 Shooting Star của Mỹ tấn công sân bay Sukhaya Rechka ở vùng Viễn Đông của Liên Xô vì nhầm đó là địa điểm ở Triều Tiên.

Cuộc tấn công đã làm hư hại 6 tiêm kích Liên Xô và thiêu rụi một chiếc khác. Toàn bộ số phi cơ này đều là mẫu P-63 Kingcobra được Mỹ chuyển giao cho Liên Xô trong Thế chiến II. Khi Liên Xô khiếu nại lên Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã thừa nhận sai lầm và nói rằng vụ tấn công là "lỗi định hướng và sai lầm trong tính toán".

bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo
Tiêm kích MiG-15 (trái) và F-86 trong một triển lãm hàng không. Ảnh: Matt Ottosen/Flickr.

Trong thập niên 1960-1970, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Không quân Hoàng gia Iran (IIAF) từng hợp tác trong chiến dịch mang mật danh "Dự án Dark Gene" nhằm do thám Liên Xô. Hoạt động này nhiều lần vấp phải phản ứng quyết liệt từ Moskva.

Ngày 28/11/1973, thiếu tá không quân Iran Mohamed Shokouhnia và đại tá không quân Mỹ John Saunders điều khiển chiếc trinh sát cơ RF-4C giả vờ vô tình bay lạc vào không phận Liên Xô.

Hệ thống cảnh giới Liên Xô nhanh chóng phát hiện máy bay xâm phạm không phận. Đại úy Gennady Eliseev, 35 tuổi, phi đội phó thuộc Trung đoàn tiêm kích số 982, được lệnh xuất kích từ căn cứ không quân Vaziani tại Gruzia để ngăn chặn chiếc RF-4C.

Tiêm kích MiG-21SM của Eliseev tiếp cận trinh sát cơ RF-4C khi nó đang rời không phận Liên Xô với tốc độ tới 1.730 km/h. Đại úy Eliseev phóng tên lửa tầm nhiệt K-13 nhưng cả hai quả đạn đều trượt do mục tiêu liên tục cơ động và phóng hàng chục mồi bẫy nhiệt. Phi công Liên Xô sau đó định khai hỏa pháo 23 mm nhưng khẩu pháo bị kẹt đạn.

Quyết không để đối phương chạy thoát cùng các dữ liệu tình báo thu thập được, đại úy Eliseev tăng tốc, lao thẳng máy bay của mình vào đuôi trinh sát cơ Mỹ khi cả hai đang bay ở tốc độ siêu thanh.

Cú va chạm mạnh khiến chiếc RF-4C mất kiểm soát và lao thẳng xuống đất, trong khi tiêm kích MiG-21SM vỡ tan trên không. Eliseev chỉ kịp phát thông điệp cuối cùng về đài chỉ huy "Tôi hạ được nó rồi!" trước khi thiệt mạng.

Saundes và Shokouhnia phóng dù thoát hiểm và bị biên phòng Liên Xô bắt ngay khi tiếp đất. Eliseev được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, còn đội kỹ thuật phụ trách vũ khí cho chiếc MiG-21SM bị kết án tù nhiều năm vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Tổ lái RF-4C được Moskva trao trả cho Tehran sau hai tuần để đổi lấy dữ liệu về một vệ tinh Liên Xô rơi xuống lãnh thổ Iran trước đó.

Duy Sơn (Theo RBTH)

bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo Hé lộ điệp viên Liên Xô khiến Anh phải phong tước hiệp sĩ
bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo Quá trình chế tạo bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô
bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo Những lần lính Mỹ và Liên Xô đụng độ với nhau
bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo Sự thực về cái chết của nữ anh hùng Liên Xô đầu tiên
bon lan suyt no ra dai chien giua my va lien xo Cuộc đời sĩ quan tình báo ‘đáng giá bằng cả đội quân’
/ vnexpress.net