Bộ Tứ đặt cược vào "vũ khí vaccine" Ấn Độ

Năng lực sản xuất vaccine Covid-19 của Ấn Độ được nhóm Bộ Tứ kỳ vọng như một vũ khí lợi hại để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Giữa lúc phần lớn thế giới chật vật tìm nguồn cung vaccine Covid-19 tháng trước, tại một nhà kho Ấn Độ, hơn 50 triệu liều chất cao hơn 15 m. Với khả năng tăng cường sản xuất lên hơn 70 triệu liều mỗi tháng, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đơn vị sở hữu số vaccine dự trữ trong kho, đã mang lại lợi thế vững chắc cho Ấn Độ trong cuộc chiến chống Covid-19.

Việc khai thác năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ cũng là chủ đề trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh hôm 12/3 giữa các lãnh đạo của nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ), gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Ba nước trong nhóm cam kết tài trợ hơn 200 triệu USD để giúp các công ty Ấn Độ tăng cường năng lực sản xuất, với mục tiêu cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho đến cuối năm 2022 nhằm "thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine công bằng cho khu vực".

"Chúng tôi đang nói về những khoản đầu tư khổng lồ để tăng năng lực vaccine tại Ấn Độ, nhằm xuất khẩu sang các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giúp họ cải thiện tình hình", Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị.

2800 5

Các thùng vaccine Covid-19 của AstraZeneca sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ bên ngoài một kho lưu trữ tại thành phố Ahmedabad, Ấn Độ, hôm 12/1. Ảnh: Reuters.

Một quan chức Ấn Độ cho hay những chi tiết cuối cùng và phạm vi chương trình vaccine của nhóm Bộ Tứ vẫn đang được hoàn thiện. Chương trình sẽ bắt đầu bằng việc tài trợ cho công ty Biological E của Ấn Độ để sản xuất một tỷ liều vaccine Covid-19 của tập đoàn Mỹ Johnson & Johnson. Giới chức sau đó có thể xem xét hỗ trợ Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất vaccine của hãng Novavax.

Mục tiêu chương trình vaccine của Bộ Tứ là tái lập thành công mà Viện Huyết thanh Ấn Độ đạt được trong việc tăng sản lượng. Cơ sở này ban đầu ký hợp đồng với hãng dược AstraZeneca chỉ để cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, nhưng năng lực sản xuất tăng nhanh đến mức họ đang xử lý các đơn đặt hàng từ cả phương Tây. Hồi đầu tháng, Viện Huyết thanh đã đưa 5 triệu liều vaccine đến Anh.

Ấn Độ đã duy trì vị thế nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua. Nước này cho ra lò hơn một nửa số vaccine trên thế giới và có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất những lô vaccine lớn cho các thị trường mới nổi, nơi cần những liều vaccine giá rẻ. Khi quá trình sản xuất hàng loạt và phân phối vaccine Covid-19 gặp trở ngại, nhiều quốc gia và hãng dược phẩm đã tìm đến Ấn Độ.

Tốc độ sản xuất của Viện Huyết thanh Ấn Độ có thể tăng nhanh hơn hầu hết cơ sở trên thế giới bởi họ vốn đã có năng lực cao hơn. Nhà máy tại thành phố Pune ở phía tây Ấn Độ của họ luôn nhộn nhịp xe tải chuyển hàng đi, đồng thời chở đến đây nguyên vật liệu cần thiết cho khâu sản xuất, đóng gói và phân phối. Công ty đã tăng hàng trăm nhân viên để đẩy mạnh sản xuất, bao gồm 50 bảo vệ canh gác cơ sở.

Động thái được nhóm Bộ Tứ đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang cung cấp vaccine Covid-19 nội địa của họ cho hầu hết quốc gia đang phát triển trên thế giới, còn Mỹ vẫn dồn phần lớn nỗ lực vào việc đảm bảo nguồn cung cho người dân trong nước.

Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Quốc, nhận xét tuyên bố của nhóm Bộ Tứ đánh dấu "sự thay đổi đáng kể" trong nỗ lực cung cấp vaccine cho toàn cầu của Washington, đồng thời là chiến lược tốt để giúp đỡ các đối tác an ninh và thương mại trong khu vực.

"Có sự đan xen giữa các lợi ích, bao gồm việc đảm bảo các quốc gia được tiếp cận với những vaccine an toàn, hiệu quả và đã được chứng minh", Thompson cho hay, lưu ý thêm rằng các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc vẫn chưa công bố dữ liệu về mức độ hiệu quả.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây xác định đưa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, thành trọng tâm chương trình nghị sự an ninh quốc gia, giữa lúc căng thẳng với Bắc Kinh trong một loạt lĩnh vực không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước khác trong nhóm Bộ Tứ cũng lạnh nhạt. Hoạt động xuất khẩu của Australia đối mặt ngày càng nhiều rào cản từ Trung Quốc sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn xích mích sau vụ ẩu đả giữa binh sĩ hai nước tại khu vực biên giới tranh chấp năm ngoái. Trong khi đó, Nhật Bản không ngừng bày tỏ lo ngại về hoạt động của Trung Quốc tại nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

"Một động lực trong chính sách ngoại giao vaccine của nhóm Bộ Tứ là cạnh tranh với hoạt động xuất khẩu vaccine của Trung Quốc, kiềm chế ảnh hưởng ngoại giao mà họ đạt được nhờ nó", Karthik Nachiappan, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định, nói thêm rằng cam kết của Bộ Tứ cũng giúp Ấn Độ có động lực để tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, kết quả "ván cược" vaccine của nhóm Bộ Tứ có thể phụ thuộc vào chiến dịch tiêm chủng và diễn biến của Covid-19 ở Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, nơi đã ghi nhận hơn 11 triệu ca nhiễm và gần 159.000 trường hợp tử vong.

Sau khi Viện Huyết thanh Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 ra toàn thế giới, một số người đặt câu hỏi tại sao chúng lại không được dành cho người Ấn Độ.

"Với sự khiêm nhường, tôi yêu cầu mọi người làm ơn hãy kiên nhẫn. Viện Huyết thanh đã được chỉ đạo ưu tiên những nhu cầu to lớn của Ấn Độ, đồng thời cân bằng nhu cầu từ phần còn lại của thế giới. Chúng tôi đang cố gắng hết sức", Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ, viết trên Twitter tháng trước.

Ánh Ngọc (Theo WSJ, SCMP)

Hé lộ nội dung đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh ‘Bộ tứ Kim cương’ Hé lộ nội dung đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh ‘Bộ tứ Kim cương’
Cuộc họp cấp cao đầu tiên của Cuộc họp cấp cao đầu tiên của "Bộ Tứ kim cương" bàn vấn đề gì?

/ vnexpress.net