Bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ" là đúng

Những người chỉ trích đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ" của GS Trần Ngọc Thêm đang đánh đồng “Lễ” với việc giáo dục đạo đức, tạo ra cuộc tranh cãi không cần thiết.

Sự kiện "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11 thu hút sự chú ý của dư luận do GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

Bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ' là đúng - 1

Theo GS Thêm, “chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”.

Nhiều người ủng hộ đề xuất trên, nhưng luồng ý kiến phản biện mạnh mẽ, gay gắt cũng lập tức xuất hiện với lập luận: Vai trò của giáo dục đạo đức không thể bỏ được; việc đề cao giá trị đó luôn cần thiết…

Chứng kiến cuộc tranh luận, ở vai trò một người quan sát, tôi cảm thấy thật… kỳ lạ! Đó là chẳng có lý do gì để tranh luận, bởi phía phản biện đang đánh đồng chữ Lễ với việc giáo dục đạo đức – đó là điều không thỏa đáng!

Trong khi, với đề xuất của GS Thêm, chữ “Lễ” được hiểu theo sắc thái “tuân thủ nội quy”, “đề cao quá mức vai trò của người thầy”, thì đấy là một rào cản của tư duy phản biện. Chẳng ai coi nhẹ việc giáo dục đạo đức như sự diễn giải của những người đang phản đối cả!

Là người đã trải qua các cấp học phổ thông ở trường công lập, rồi đi qua 2 chương trình đào tạo đại học công (hệ chính quy), tới giờ lại làm công việc giảng dạy tư thục, tôi cảm thấy thấm với đề xuất mà GS Trần Ngọc Thêm đưa ra.

Tại sao thấm?

Tôi và nhiều đồng nghiệp từng nói vui với nhau rằng, chẳng nghề gì “sướng” như làm giáo viên, giảng viên ở các cơ sở đào tạo công lập. Bởi có những người thầy, người cô vào lớp, với “uy quyền” của mình, họ muốn nói gì thì nói, thậm chí nói lạm hết ngoài giáo trình (mà không có sự truyền tải kiến thức trong đó).

Khi giảng dạy, họ chẳng vạch ra bức tranh tổng thể, khiến học viên không hiểu học môn đó để làm gì, thứ được học đem lại lợi ích gì cho chuyên môn của nghề.

Có những tình huống bi hài là học viên bị điểm kém, thậm chí trượt môn gần hết lớp, nhưng giảng viên của môn đó lại… chẳng vấn đề gì!

Tại sao học viên không lên tiếng phản ánh về chất lượng giáo dục khi họ phải chịu cách dạy học như vậy? Tôi cho rằng, đó là do tư duy “Tiên học lễ” đã ăn sâu trong nhận thức của nhiều người – kiểu như góp ý “xấu”, phản biện thầy, cô thì đó là thiếu tôn trọng, là hỗn, là vô ơn, không đúng nguyên tắc “Tiên học lễ”, nên… không được!

Chính vì lẽ đó, môi trường giáo dục ở nhiều nơi trở thành cơ chế xin – cho, chứ không phải là dạy – học đúng nghĩa nữa. Một khi xin – cho thì tiêu cực nảy sinh.

Dù thực tế nói trên không phải là tất cả, nhưng rõ ràng đó là một mảng tối đã và đang tồn tại mà những ai từng trải qua đều hiểu.

Ở môi trường đào tào mà tôi đang có cơ hội góp sức, tôi không nghe thấy nguyên tắc “Tiên học lễ” ở đâu cả!

Tại đó, không có chuyện xin – cho, mà ngược lại, học viên có phiếu chấm điểm giảng viên một cách khách quan và công khai. Phần chấm điểm ấy không có vùng cấm, nghĩa là kể cả những giảng viên uy tín, lâu năm, cũng vẫn bị/được chấm điểm như thường.

Và từ đây, tôi nhận ra một điều thú vị: Khi nỗ lực truyền đạt kiến thức một cách thực chất, nhiệt huyết, chúng tôi không chỉ nhận được điểm số tích cực từ học viên, mà quý báu hơn, chúng tôi nhận được tình cảm, sự tôn trọng của họ.

Chẳng cần hô hào khẩu hiệu, nguyên tắc “Tiên học lễ” nào cả, tự học viên hình thành cái "Lễ" ấy trong nhận thức, thái độ, tự gọi chúng tôi là thầy, là cô, dù chúng tôi chỉ coi mình là những “huấn luyện viên kỹ năng chuyên môn” mà thôi.

Vậy đó. Từ thực tiễn đã chứng kiến, tôi cho rằng, đã tới lúc nhìn nhận, đánh giá câu chuyện giáo dục từ cái gốc. Đó là chúng ta nên bỏ tư duy sính “Lễ” đi, để bình đẳng hóa mối quan hệ thầy – trò, tập trung vào chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy và học.

Một khi làm được điều đó, thì “Lễ” sẽ tự sinh ra, chứ chẳng cần phải “lên gân” một cách hình thức để làm gì cả!

(*) Ý kiến trao đổi của độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trung Hiếu

Đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" gây tranh cãi Đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" gây tranh cãi
Liên tiếp các bi kịch gia đình: Lỗ hổng nền tảng đạo đức và văn hóa Liên tiếp các bi kịch gia đình: Lỗ hổng nền tảng đạo đức và văn hóa

/ vtc.vn