Biến chủng Delta thay đổi triệu chứng người nhiễm virus, thách thức khả năng đạt miễn dịch cộng đồng

Với mức độ lây nhiễm rất nhanh của biến chủng Delta, nhiều chuyên gia cho rằng các nước rất khó đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian trước mắt.

Theo hầu hết nhà dịch tễ học, miễn dịch cộng đồng là mức độ miễn dịch cần thiết trong một quốc gia để virus không còn có thể lây lan rộng rãi. Ngưỡng này được tính toán dựa trên hệ số lây nhiễm cơ bản (R0), giúp xác định một ca nhiễm virus có thể lây cho trung bình bao nhiêu người. Theo lý thuyết, miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được nếu hệ số R0 giảm xuống dưới 1, tức là trung bình một ca nhiễm sẽ lây cho dưới một người khác.

Biến chủng Delta đặt ra thách thức lớn với các quốc gia muốn đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng
Biến chủng Delta đặt ra thách thức lớn với các quốc gia muốn đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng

Tuy nhiên, nCoV đang lây nhiễm dễ dàng hơn với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Chủng Delta, lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với chủng ở Vũ Hán.

Allen Cheng, cựu phó giám đốc y tế bang Victoria ở Australia, ước tính hệ số R0 của chủng Delta là khoảng 5, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra mức 5-9, gần bằng bệnh thủy đậu.

Các vaccine cũng không đạt hiệu quả 100% trước nCoV. Israel, một trong những quốc gia tiêm chủng thành công, ghi nhận tỷ lệ hiệu quả của vaccine Pfizer là 81%. Con số này tại Anh đối với vaccine Pfizer và AstraZeneca lần lượt là 88% và 67%, còn tại Canada là 72% và 56%.

Triệu chứng lâm sàng của biến chủng Delta và cơ chế tấn công của virus S

Chia sẻ tại buổi tập huấn phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế mới đây, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết trước đây triệu chứng lâm sàng ở các bệnh nhân Covid-19 chủ yếu là sốt, ho, đau cơ, khó thở nhưng hiện nay với sự xuất hiện của biến chủng Delta, các triệu chứng dần thay đổi.

Ông nhận định bệnh nhân trong đợt bùng phát dịch này thường bị đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy… Nhiều trường hợp F0 được phát hiện tại cơ sở y tế khi tình cờ đi khám bệnh liên quan các chuyên khoa khác.

Với biến chủng mới, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng là 50-60% (trong các đợt dịch trước, tỷ lệ này là 80%); 30% người có biểu hiện nhẹ giống cảm cúm thông thường; 10-15% cần hỗ trợ oxy và thuốc; 5-10% cần máy thở, lọc máu, ECMO.

Giải thích rõ hơn về cơ chế xâm nhập của SARS-CoV-2, GS Bình cho biết lâu nay hầu hết mọi người đều nghĩ virus chỉ tấn công phổi, gây tổn thương cơ quan này. Thực tế, virus còn tấn công hàng loạt cơ quan trong cơ thể. Do đó, chúng ta không nên chỉ quan tâm chỉ số oxy trong máu (SpO2).

Ông phân tích SARS-CoV-2 chui qua tế bào niêm mạc hô hấp, thông qua các thụ thể ACE2 và TMP1, sau đó chuyển ARN thông tin để chỉ huy các tế bào, tổng hợp thành phần và tái tạo ra nhiều virus mới, từ đó phá hủy tế bào cũ. Sau đó, chúng theo đường máu đi khắp nơi.

Cơ chế gây tử vong của biến chủng Delta hoàn toàn khác biệt
Triệu chứng của người nhiễm biến chủng Delta hoàn toàn khác biệt so với các chủng virus trước đó

Vì vậy, Covid-19 không chỉ gây bệnh ở phổi, tạo ra cơn bão cytokine mà còn gây bệnh toàn thân, tấn công hàng loạt cơ quan như não, thận, gan, tim, tụy…

Virus SARS-CoV-2 gây tổn thương các cơ quan theo 2 cách. Thứ nhất là tấn công trực tiếp. Thứ hai là gián tiếp qua cơ chế miễn dịch gây ra hiện tượng tăng đông, hoạt hóa tiểu cầu, tổn thương tế bào, hình thành huyết khối trong các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn.

Qua giải phẫu các trường hợp tử vong do Covid-19, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân bị tắc mạch khá lớn, cao gấp 9 lần so với nhóm bệnh nhân nhiễm các virus giống như cúm.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay Bắc Ninh cũng phát hiện tình trạng nhồi máu phổi (cục máu đông trong phổi), không phải viêm phổi thông thường.

Khoảng 20-50% ca nhồi máu phổi theo cơ chế truyền thống, số còn lại nhồi máu tại các mao mạch phổi, tĩnh mạch phổi, dẫn đến suy tim cấp, gây ra những cái chết đột ngột. Kết luận này được chứng minh khi giải phẫu các ca tử vong.

Theo GS Bình, do phổi bị đông đặc, tắc mạch, hầu hết bệnh nhân Covid-19 nặng thường phải thở máy rất lâu vì tiêu cục máu đông không dễ. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện trên bệnh nhân Covid-19 tử vong có hiện tượng xuất huyết, chảy máu.

Khi điều trị, GS Bình lưu ý ngoài quan tâm tình trạng hô hấp của người bệnh, nhân viên y tế cần chú ý đến tuần hoàn và các cơ quan khác. Bởi khoảng 15-20% bệnh nhân Covid-19 bị viêm cơ tim và tắc mạch, 5-10% tổn thương thận, tổn thương gan, biến chứng trong não.

Phóng viên (t/h)

https://nghenghiepcuocsong.vn/bien-chung-delta-thay-doi-trieu-chung-nguoi-nhiem-virus-thach-thuc-kha-nang-dat-mien-dich-cong-dong/?fbclid=IwAR1guqiBKrI4DpmDIbeXj10KMU85YDatEh-gs0bhOunm0DxzwtnIyVFk-n8

Iran vật lộn với Delta: Hai phút có một người chết vì COVID-19 Iran vật lộn với Delta: Hai phút có một người chết vì COVID-19
Tiêm liều thứ 3 vaccine vẫn có thể nhiễm COVID-19 Tiêm liều thứ 3 vaccine vẫn có thể nhiễm COVID-19
Số người chết vì COVID-19 ở Philippines tăng đột biến, chủng Delta lây lan mạnh Số người chết vì COVID-19 ở Philippines tăng đột biến, chủng Delta lây lan mạnh
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống