Bí mật đằng sau vụ thử vũ khí diệt vệ tinh của Nga: Sự chuẩn bị cần thiết

Vụ thử tên lửa diệt vệ tinh vừa qua một lần nữa cho thấy Nga hoàn toàn có đủ khả năng ngăn chặn mọi mối đe dọa đến từ không gian bằng các hệ thống vũ khí mạnh nhất.

Theo Russia Beyond, trong một thông cáo báo chí mới đây, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã lên án hành động thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh của Nga hôm 15/11, đồng thời nhấn mạnh đây là bước đi nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến các chương trình nghiên cứu không gian của nhiều quốc gia.

Phía Mỹ còn cho biết, Moskva đã sử dụng một tên lửa chống vệ tinh (DA-ASAT) bắn thẳng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất để đánh chặn một vệ tinh do thám đã ngừng hoạt động của nước này. Vụ thử nghiệm diễn ra thành công nhưng nó đã tạo ra khoảng 1.500 mảnh vỡ trong không gian có thể gây nguy hiểm cho các vệ tinh khác đang hoạt động trên cùng quỹ đạo.

Đáp lại những cáo buộc này, phía Nga cho rằng việc phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có DA-ASAT là hành động cần thiết nhằm đối phó với hoạt động của quân đội Mỹ trong không gian.

Bí mật đằng sau vụ thử vũ khí diệt vệ tinh của Nga: Sự chuẩn bị cần thiết - 1
Các quốc gia đều âm thầm phát triển vũ khí diệt vệ tinh theo cách riêng, trong đó có cả việc sử dụng đầu đạn hạt nhân.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, vệ tinh được sử dụng làm “bia tập bắn” trong thử nghiệm lần này là Celina-D, một mẫu vệ tinh do thám do Liên Xô phát triển đã ngưng hoạt động từ nhiều năm trước.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc thử nghiệm trên này là một biện pháp đối phó với chiến lược không gian đang được Lầu Năm Góc theo đuổi, có thể thấy rõ điều này qua việc quân đội Mỹ thử nghiệm tàu vũ trụ không người lái Boeing X-37.

"Mỹ thành lập bộ tư lệnh không gian và chính thức thực hiện chiến lược không gian mới từ năm 2020. Một trong những mục tiêu chính của nó là giúp Washington có một lợi thế quân sự toàn diện trong không gian”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Phía Nga xem những hành động như vậy là một mối đe dọa và chúng không phù hợp với các mục tiêu đã nêu, đó là sử dụng các chương trình nghiên cứu không gian vì mục đích hòa bình.

"Với suy nghĩ đó, chúng tôi đang thực hiện các hoạt động theo kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phòng thủ loại trừ các nguy cơ gây đối với an ninh quốc gia đến từ không gian lẫn cả trên mặt đất”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Bí mật đằng sau vụ thử vũ khí diệt vệ tinh của Nga: Sự chuẩn bị cần thiết - 2
Tàu vũ trụ không người lái X-37 của quân đội Mỹ. (Ảnh: Boeing)

Nga đã sử dụng vũ khí nào để bắn hạ vệ tinh?

Dù vụ thử nghiệm diễn ra thành công, Bộ Quốc phòng Nga vẫn từ chối tiết lộ họ đã sử dụng loại vũ khí nào đển bắn hạ Celina-D. Tuy nhiên có nhiều thông tin cho thấy đó là S-500 “Prometey” – hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại nhất của quân đội Nga.

Sở dĩ nói như vậy là bởi quân đội Nga chỉ sở hữu hai hệ thống vũ khí có khả năng tiêu diệt một vật thể trong không gian - đó là hệ thống phòng không S-500, cũng như S-550 (biến thể của S-500).

Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Igor Korotchenko cho biết: “Chúng ta có thể cho rằng đó là một vụ phóng thực chiến của hệ thống phòng không S-500 có khả năng chọn mục tiêu cụ thể trong không gian ở quỹ đạo tầm thấp và bắn hạ chúng.”

Cũng theo ông Korotchenko, dữ liệu thử nghiệm cho thấy S-500 sẽ vô hiệu hóa các mối đe dọa từ các loại vũ khí đang được một số nước triển khai trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, trong đó bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

"Nga muốn chứng tỏ rằng họ có khả năng loại bỏ các mối đe dọa đến từ không gian. Điều đáng nói là S-500 và S-550 là loại vũ khí độc nhất vô nhị. Nhiệm vụ của chúng là đối phó với các loại mối đe dọa quân sự mới sẽ được hiện thực hóa trong vòng 5 năm tới trên quỹ đạo Trái đất", Korotchenko cho biết.

Bí mật đằng sau vụ thử vũ khí diệt vệ tinh của Nga: Sự chuẩn bị cần thiết - 3
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500. (Ảnh: RT)

Chỉ mình Nga có vũ khí diệt vệ tinh?

Trên thực tế, Nga chỉ là một trong nhiều nước trên thế giới sở hữu vũ khí diệt vệ tinh, đi đầu trong việc phát triển loại vũ khí này còn có Mỹ vầ Trung Quốc. Các quốc gia này đều từng tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh trong thời gian gần đây.

Ông Alexander Hramchihin, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu phân tích chính trị và quân sự Nga cho biết, Mỹ và Trung Quốc đều từng có các cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trong quá khứ dưới nhiều cấp độ khác nhau.

Cuộc thử nghiệm gần đây nhất của Trung Quốc là vào năm 2007, khi nước này cố gắng phá hủy một vệ tinh đã ngưng hoạt động của họ bằng một tên lửa được phóng đi từ mặt đất. Được biết mục tiêu bay ở quỹ đạo có độ cao hơn 860km. Vụ thử nghiệm diễn ra thành công nhưng nó lại tạo ra hơn 3.000 mảnh vỡ trong không gian, hầu hết chúng đều tồn tại cho tới tận ngày nay.

Còn về phía Mỹ, họ tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh gần nhất là vào năm 2008, với mục tiêu là vệ tinh do thám USA-193. Dĩ nhiên, cuộc thử nghiệm diễn ra thành công, cùng với đó là hầu hết các mảnh vỡ từ vệ tinh đều trôi ra khỏi quỹ đạo ngay sau đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc các nước đua nhau phát triển vũ khí diệt vệ tinh là hành động nguy hiểm, bởi chúng có thể gây hư hại cho trạm vũ trụ quốc tế ISS và nhiều vệ tinh khác bay trên cùng quỹ đạo.

TRÀ KHÁNH

Mỹ tin Triều Tiên vẫn giữ cam kết dù liên tiếp thử vũ khí Mỹ tin Triều Tiên vẫn giữ cam kết dù liên tiếp thử vũ khí
Mỹ - Israel phóng thử vũ khí triệu USD chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran Mỹ - Israel phóng thử vũ khí triệu USD chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran

/ vtc.vn