Bi kịch của Tổng thống Jovenel Moise - nhà lãnh đạo quốc gia nghèo nhất châu Mỹ

Tổng thống Haiti Jovenel Moise (53 tuổi) từng là một doanh nhân thành đạt trước khi dấn thân vào chính trường hỗn loạn của Haiti. Nhưng nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã mở ra một vòng xoáy bạo lực bất ổn, bao gồm cả vụ ám sát nhằm vào chính người đứng đầu đất nước.

Bi kịch của Tổng thống Jovenel Moise - nhà lãnh đạo quốc gia nghèo nhất châu Mỹ ảnh 1
Nhóm nghi phạm cùng tang vật bị thu giữ sau vụ ám sát Tổng thống Haiti

Nghi phạm là nhóm biệt kích nước ngoài

Tổng thống Moise đã bị ám sát tại nhà riêng lúc rạng sáng 7-7-2021 trong “một cuộc tấn công có sự phối hợp chặt chẽ của nhóm vũ trang được đào tạo bài bản và có trình độ cao” - Thủ tướng lâm thời Claude Joseph cho biết. Trong khi Tổng thống tử thương ngay tại hiện trường với hơn 10 phát đạn, vợ của ông là bà Martine cũng bị trọng thương và được đưa sang Mỹ điều trị. “Haiti đã mất một chính khách thực sự. Chúng tôi đảm bảo rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho hành động tàn ác này sẽ nhanh chóng bị đưa ra công lý” - ông Claude Joseph nói.

Trong cuộc họp báo ngày 9-7, Cảnh sát trưởng Charles Leon cho biết, một đơn vị biệt kích đã ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse. Nhóm này gồm 26 người Colombia và 2 người Mỹ gốc Haiti. “Nhà chức trách đã theo dõi nhóm sát thủ tới ngôi nhà gần hiện trường vụ án ở Petionville, vùng ngoại ô phía Bắc Thủ đô Port-au-Prince. Một cuộc đọ súng kéo dài đến khuya và ít nhất 17 người đã bị bắt. Tang vật thu giữ gồm một số hộ chiếu Colombia cùng với súng trường tấn công, dao rựa, máy bộ đàm… 3 đối tượng đã bị tiêu diệt, 8 tên vẫn đang bỏ trốn” - ông Charles nói.

Theo tờ Guardian (Anh), ông Diego Molano - Bộ trưởng Quốc phòng Colombia tuyên bố rằng, thông tin sơ bộ cho thấy những người Colombia tham gia vụ tấn công là các cựu quân nhân đã nghỉ hưu và Bogotá sẽ hợp tác trong cuộc điều tra. Còn ông Mathias Pierre - Bộ trưởng bầu cử và quan hệ giữa các đảng của Haiti cho hay, đã xác định 2 nghi phạm người Mỹ gốc Haiti là James Solages (35 tuổi) và Joseph Vincent (55 tuổi).

Ở quốc gia Caribe này người dân chủ yếu nói tiếng Pháp và Creole, nhưng trong sự việc xảy ra hôm 7-7, nhóm nghi phạm đã giả danh đặc vụ chống ma túy của Mỹ khi xông vào dinh thự Tổng thống và giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha. Các quan chức Haiti vẫn chưa tìm ra động cơ của vụ ám sát. Jonathan Katz - cựu phóng viên AP tại Haiti lưu ý rằng: “Ông Moise có một danh sách dài những kẻ thù. Có rất nhiều người muốn ông ấy ra đi. Và ông ấy cũng muốn rất nhiều người phải ra đi. Sẽ mất nhiều ngày để tổng hợp lại những gì đã xảy ra để trả lời câu hỏi: Ai đứng sau vụ này và họ muốn gì?”.

Hồi tháng 2-2021, nhà chức trách Haiti cho biết đã triệt phá âm mưu ám sát Tổng thống Jovenel Moise liên quan đến những tranh cãi xung quanh nhiệm kỳ của chính ông. Cảnh sát đã thu giữ tài liệu, tiền mặt và nhiều vũ khí của nhóm nghi phạm.

Chân dung một chính trị gia… “lạ”

Theo France24, ông Moise vốn là một doanh nhân đến từ miền Bắc Haiti. Ông không có kinh nghiệm chính trị trước khi được cựu Tổng thống Michel Martelly chọn làm ứng cử viên của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2015. Nông nghiệp và nông thôn đã trở thành chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của doanh nhân này. Được sự hỗ trợ bởi một nhóm truyền thông vượt trội, ông Moise đã đến thăm tất cả 145 xã của Haiti. Sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo này đã nỗ lực hồi sinh của nền kinh tế đang gặp khó khăn sâu sắc thông qua nông nghiệp.

Là một người ăn nói nhẹ nhàng, ông Moise có vẻ như là một chính trị gia kín tiếng, đặc biệt là khi so sánh với người tiền nhiệm Martelly vốn là một nghệ sĩ giải trí có tính khoa trương. Tuy không nghèo, nhưng ông Jovenel Moise cũng không hẳn thuộc giới thượng lưu. Cha của ông là một nông dân và doanh nhân quy mô nhỏ. Mẹ ông làm thợ may và bán hoa màu do nhà sản xuất. “Tôi đến từ nông thôn. Tôi không đến từ Port-au-Prince” - ông nhấn mạnh khi có chuyến thăm Nam Florida để gặp gỡ cộng đồng người Haiti khi bắt đầu tranh cử tổng thống. Với chiến dịch tranh cử dưới biệt danh “Người chuối”, ông đã quảng bá những thành tựu bao gồm việc thành lập một liên doanh xuất khẩu chuối với sự trợ giúp từ khoản vay 6 triệu USD được chính quyền của Tổng thống Martelly phê duyệt.

Ông Moise nhậm chức vào tháng 2-2017, cam kết củng cố các thể chế, chống tham nhũng và mang lại nhiều đầu tư và việc làm hơn cho quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu. “Điều thực sự quan trọng là phải thay đổi lối sống của người Haiti nghèo khó ở các vùng nông thôn. Chúng tôi có rất nhiều bãi đất trống, những con sông đổ thẳng ra biển. Chúng tôi có mặt trời và con người. Nếu đặt 4 mục này lại với nhau - đất đai, sông ngòi, con người và mặt trời - bạn sẽ có một đất nước giàu có. Đây là lý do tại sao tôi tham gia chính trị” - Tổng thống Moise từng nói. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, Tổng thống đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình đông đảo kêu gọi ông rời chức vụ do tham nhũng, quản lý kinh tế không hiệu quả, vi phạm trong củng cố quyền lực.

Bi kịch của Tổng thống Jovenel Moise - nhà lãnh đạo quốc gia nghèo nhất châu Mỹ ảnh 2
Hiện vẫn chưa rõ động cơ vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise

Khoảng trống quyền lực

Vào thời điểm bị ám sát, ông Moise đã cầm quyền hơn 1 năm mà Quốc hội bị giải tán và không thể tổ chức được bầu cử. Thẩm phán Jean Wilner Morin - Chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán quốc gia Haiti nói với CNN rằng, sự lựa chọn tổng thống kế nhiệm ở nước này hiện đang rất u ám. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Moise đã nhiều lần thất bại trong việc tổ chức các cuộc bầu cử ở cả địa phương lẫn quốc gia, khiến phần lớn cấp quản lý của đất nước bị bỏ trống. Một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp sẽ được tổ chức vào tháng 9-2021, cùng với các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp. Các cuộc bầu cử thành phố và địa phương đã được lên lịch vào ngày 16-1-2022.

Trong khi Mỹ, Liên hợp quốc và nhiều quốc gia châu Mỹ ủng hộ Tổng thống Moise về nhiệm kỳ 5 năm (tới năm 2022) thì phe đối lập lại cho rằng ông đáng lẽ phải từ chức vào ngày 7-2-2021. Lý do là họ trích dẫn điều khoản trong hiến pháp quy định nhiệm kỳ được tính sau khi một tổng thống được bầu chứ không phải từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, ông Moise tuyên bố nhiệm kỳ của ông đến năm 2022 mới kết thúc vì ông mới tuyên thệ nhậm chức từ tháng 2-2017. Lễ nhậm chức của ông bị trì hoãn do cáo buộc gian lận cử tri trong cuộc bầu cử năm 2015, dẫn đến cuộc bỏ phiếu Tổng thống vòng 2 đã bị hoãn 2 lần do các mối lo ngại về an ninh.

Không chỉ vậy, bản thân Haiti hiện giờ cũng đang có 2 người đều xưng là Thủ tướng. Người thứ nhất là ông Ariel Henry - một bác sĩ giải phẫu - vốn được Tổng thống Moïse đề cử trước khi bị ám sát 1 ngày. Người thứ hai là ông Claude Joseph - người tiếp quản công việc Thủ tướng lâm thời từ tháng 4-2021 khi Thủ tướng trước đó là ông Joseph Jouthe từ chức. “Ông Henry thực sự đã được chỉ định, nhưng ông ta chưa bao giờ nhậm chức. Còn tôi mới là Thủ tướng đương nhiệm. Đây là những gì luật pháp và hiến pháp quy định” - ông Claude phân trần. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn riêng với AP, ông Henry lại tỏ ra mâu thuẫn với ông Joseph: “Đây là một tình huống đặc biệt. Có một chút nhầm lẫn. Tôi mới là Thủ tướng đương nhiệm”.

Viễn cảnh tồi tệ hơn

Giới chuyên gia cho rằng, cái chết của Tổng thống Moise khiến Haiti chìm sâu hơn vào tình trạng hỗn loạn. Các cuộc biểu tình lan rộng khi nhiều người chống đối kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý thay đổi hiến pháp. Biểu tình đã làm tê liệt đất nước 11 triệu dân, Thủ đô của Haiti cũng quay cuồng trong bạo lực với các băng đảng tội phạm thanh trừng lẫn nhau. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đang trở nên tồi tệ hơn.

Cơ quan nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) hôm 8-7 cho biết, Haiti là quốc gia duy nhất ở Tây bán cầu không có nổi 1 liều vaccine Covid-19 nào.

Tháng trước, Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ cảnh báo rằng, các biện pháp ứng phó của Haiti phải được tăng cường để đối phó với các ca bệnh và tử vong ngày càng leo thang. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Haiti đã ghi nhận hơn 19.000 ca mắc Covid-19 và 467 trường hợp tử vong.

Đồng thời, đất nước này đang phải đối mặt với tình hình kinh tế tồi tệ. Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của nước này đã bị thu hẹp ngay trước đại dịch và giảm thêm 3,8% vào năm 2020, khoảng 60% dân số hiện đang sống trong cảnh nghèo đói. Những rắc rối này xảy ra khi Haiti vẫn đang cố gắng phục hồi sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 và cơn bão Matthew vào năm 2016.

Bài bình luận hôm 8-7 trên CNN viết: “Vụ ám sát Tổng thống Moise là một lời nhắc nhở bi thảm về nền dân chủ đang dần sáng tỏ và sự cần thiết phải tìm ra giải pháp cho tình trạng hỗn loạn đang leo thang, đặt trật tự hiến pháp của Haiti và hạnh phúc của người dân ở trung tâm”.

Trước khi ông trở thành Tổng thống vào năm 2017, ông Jovenel Moise hầu như không được công chúng biết đến. Ông từng cam kết tạo việc làm và chống tham nhũng, nhưng thay vào đó, Haiti chứng kiến sự gia tăng các vụ bắt cóc, bạo lực băng đảng và bế tắc chính trị trong suốt nhiệm kỳ của ông. Và mọi thứ đã đột ngột kết thúc vào rạng sáng 7-7 khi ông bị một nhóm tay súng sát hại.
Phu nhân Tổng thống Haiti ám chỉ kẻ thù gây ra cái chết của chồng Phu nhân Tổng thống Haiti ám chỉ kẻ thù gây ra cái chết của chồng

Phu nhân cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise hôm 10/7 cáo buộc những kẻ thù trong bóng tối đã tổ chức vụ ám sát chồng ...

Thế giới chật vật tìm giải pháp cho Haiti Thế giới chật vật tìm giải pháp cho Haiti

Những lần can thiệp quân sự vào Haiti trước đây không giải quyết được khủng hoảng, buộc quốc tế phải tìm giải pháp mới sau ...

Mỹ điều động lực lượng hỗ trợ sau lời "cầu cứu" của Haiti Mỹ điều động lực lượng hỗ trợ sau lời "cầu cứu" của Haiti

Chính phủ lâm thời của Haiti đã yêu cầu Mỹ triển khai lực lượng để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của nước ...

/ anninhthudo.vn