Bạch hầu, sốt xuất huyết chồng dịch Covid-19

Bộ Y tế dự báo từ nay đến cuối năm, điều kiện thời tiết thuận lợi khiến bệnh sốt xuất huyết và bạch hầu tăng cao, song hành cùng Covid-19.

Dự báo được Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến 62 điểm cầu về công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng năm 2020, ngày 21/9.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng nguy hại của dịch. Ngoài ra, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi vẫn ghi nhận số mắc cao, làm tăng gánh nặng trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 70.000 ca sốt xuất huyết, giảm gần 65% so với cùng kỳ năm 2019. Các ca bệnh tập trung ở miền Nam (hơn 40.000 ca), miền Trung (hơn 23.000 ca).

Riêng ba tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng tăng gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố như Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TP HCM và Hà Nội.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng, nhận định so với các năm thì năm nay diễn biến dịch sốt xuất huyết không có sự bất thường. Xu hướng số ca mắc tăng trong các tuần gần đây cơ bản tương đương cùng kỳ các năm trước. Tỷ lệ nhóm tuổi mắc sốt xuất huyết cũng chưa thấy sự khác biệt.

"Tuy nhiên hiện là mùa mưa, số ca sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, dự kiến đạt đỉnh vào tháng 10, tháng 11", ông Tấn dự báo.

Theo phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hiện vẫn khó kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết vì chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, số ca mắc ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, cứ 5-10 năm có một đỉnh dịch. Để phòng dịch, cần thường xuyên diệt bọ gậy, loăng quăng.

2421 1 3399 1600676438
Nhân viên y tế dự phòng tại Hà Nội phun hóa chất phòng sốt xuất huyết trong các hộ gia đình, khu đông dân cư. Ảnh:Ngọc Thành.

Năm nay cũng đánh dấu dịch bạch hầu tăng cao, tập trung khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Miền Bắc chưa ghi nhận ca bệnh nào.

Đến nay cả nước ghi nhận 198 ca bạch hầu, 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số bệnh nhân tăng 157 trường hợp, tử vong tăng một. Trong đó, 161 bệnh nhân không tiêm chủng bạch hầu, chỉ 37 bệnh nhân có tiêm chủng. Bạch hầu xuất hiện ở người trên 65 tuổi, trẻ dưới một tuổi.

Theo ông Tấn, bệnh nhân bạch hầu sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác. Đặc biệt từ nay đến cuối năm, điều kiện thời tiết thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trong đó có bạch hầu. Vì vậy, các địa phương cần triển khai tiêm chủng bạch hầu đầy đủ.

Thứ trưởng Tuyên cho rằng thời gian tới vào mùa thu - đông, điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, bạch hầu... Do đó các địa phương cần triển khai biện pháp phòng chống, không để xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch", tránh tái bùng phát ổ dịch bạch hầu, sốt xuất huyết, Covid-19.

Lê Nga

Nguy cơ dịch sốt xuất huyết chồng Covid-19 tại Hà Nội Nguy cơ dịch sốt xuất huyết chồng Covid-19 tại Hà Nội
Báo động khi bệnh nhân tự làm “bác sĩ” Báo động khi bệnh nhân tự làm “bác sĩ”
Số ca sốt xuất huyết đang tăng nhanh ở Hà Nội Số ca sốt xuất huyết đang tăng nhanh ở Hà Nội
/ vnexpress.net