Bác sĩ phát khóc vì kiệt sức

Ian lo sợ kiệt sức với những ngày làm việc triền miên từ 9h sáng đến 9h tối, căng thẳng tột độ khiến anh thấy tê liệt cả tâm lý và vật lý.

Tại một bệnh viện ở thủ đô London, 5h chiều, một nữ bệnh nhân 60 tuổi mắc Covid-19, đột ngột trở nặng. Trước đó, bà chống chọi với khó thở, mức oxy suy giảm.

Bác sĩ trẻ Ian (tên đã thay đổi), đang công tác ở khoa truyền nhiễm, hầu như chưa ăn uống vào ngày hôm đó, sống nhờ cà phê, luôn chân luôn tay. Khoa điều trị 55 người bệnh, dù quy mô cho phép chỉ 30.

Bệnh nhân vốn là người khỏe mạnh, còn nhiều năm cuộc đời phía trước, đột nhiên chuyển nặng.

"Người bệnh không phản ứng và phải thở máy", Ian nói. Anh chẩn đoán khả năng người phụ nữ bị đột quỵ.

"Chúng tôi đã cố gắng gọi cho chồng con của bà để thông báo - một cuộc gọi không người nào muốn nhận", anh cho biết.

4844 6285 1609291107 7315 1609291126
Bệnh nhân Covid-19 điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt bệnh viện, chuyển từ London đến Yorkshire. Ảnh: Guardian

Hiện tại là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp bác sĩ Ian khi bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng cao khó lường.

"Chúng tôi có ba hoặc bốn... và đột nhiên vài tuần trước, con số bắt đầu tăng tốc. Tuần trước Giáng sinh, số lượng người mới vọt lên 30% mỗi ngày".

Ian lo sợ kiệt sức với những ngày làm việc kéo dài liên tục 12 giờ, từ 9h sáng đến 9h tối, căng thẳng tột độ với những cuộc hội chẩn, đánh giá bệnh nhân nào cần xét nghiệm, chụp MRI, ca nào cần chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt.

Sự mệt mỏi khiến bác sĩ trở nên tê liệt, ít có khả năng đối phó với những điều bất ngờ xảy ra.

"Bạn bắt đầu cảm thấy mình kém đồng cảm hơn, phản ứng căng thẳng hơn, và biến phần còn lại của cuộc đời theo cách bất lợi, khi bạn cạn kiệt cảm xúc, trở nên khó gần", Ian nói.

Trong cuộc họp buổi tối gần đây, tiếng còi hú báo hiệu bệnh nhân đang ngừng tim. Sau đó, người này chết. Ian trở về nhà và bật khóc vì "áp lực và căng thẳng quá lớn".

"Tôi đã vật lộn 14 tiếng ở bệnh viện. Một ngày thực sự khó khăn khi bạn chứng kiến cái chết và cảm thấy ánh sáng đường hầm còn quá xa xôi", anh nói.

Ian cho biết đơn vị y tế anh đang làm việc còn có nguồn lực tương đối tốt khi giường bệnh vẫn còn. Các đồng nghiệp khác của anh đang phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn.

"Ở những nơi khác, mọi thứ đã trở nên thảm khốc. Ví dụ, một đồng nghiệp của tôi nói rằng bệnh nhân phải chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt ở Kent đến Bristol, vì đó là bệnh viện gần nhất có thể giúp đỡ sự quá tải của cơ sở này. Tình huống này không xảy ra trong thời bình".

Anh đang là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, ghi nhận thêm 53.135 ca nhiễm mới và 414 trường hợp tử vong hôm 29/12.

Giới chức y tế Anh cảnh báo nước này đang "trở lại tâm bão" Covid-19, với số bệnh nhân nhập viện vượt giai đoạn cao điểm hồi tháng 4 với hơn 20.426 người bệnh nhiễm nCoV đang điều trị.

Bảo Châu (Theo Guardian)

Bác sĩ phẫu thuật Bác sĩ phẫu thuật "chui" trong bệnh viện
Cô gái Việt nên duyên với bác sĩ sản khoa nhờ khám vô sinh Cô gái Việt nên duyên với bác sĩ sản khoa nhờ khám vô sinh
Bác sĩ gốc Việt tiêm vaccine Pfizer: Bác sĩ gốc Việt tiêm vaccine Pfizer: "Hơi đau nhức vùng vai phải"
Tâm sự của bác sĩ chữa cai nghiện YouTube Tâm sự của bác sĩ chữa cai nghiện YouTube
/ vnexpress.net