Ba cách không tiếng súng Mỹ có thể xử lý khủng hoảng Triều Tiên

Xây dựng khả năng răn đe, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc hay đàm phán là những cách Mỹ nên áp dụng để xử lý khủng hoảng Triều Tiên. 

ba cach khong tieng sung my co the xu ly khung hoang trieu tien
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Rodong Sinmun.

Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, thế giới có thể sẽ phải chứng kiến một cuộc chiến tranh hạt nhân khác. Đến nay, đối thoại không phát huy tác dụng và Trung Quốc cũng chưa giúp gì nhiều để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Những thực tế trên cùng với việc Triều Tiên đang đẩy nhanh tốc độ phát triển tên lửa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ khiến không ít người phải rùng mình lo sợ, theo AP.

Tuy nhiên, Washington không hẳn đã hết mọi phương kế. Họ vẫn còn những cách khác để xử lý tình hình và không cách nào đòi hỏi phải dùng đến súng hay tên lửa.

Xây dựng khả năng răn đe

Xây dựng khả năng răn đe cốt yếu nhằm đảm bảo rằng đối thủ không có lựa chọn quân sự nào khả dĩ trong tay. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm khá tốt điều này.

Ông Vipin Narang, chuyên gia chiến lược hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng các nhà lập pháp Mỹ giờ đây cần thay đổi tư duy.

"Nói chương trình hạt nhân không làm tăng thêm hay cải thiện khả năng răn đe của Triều Tiên... chỉ đơn giản là hành động phủ nhận thực tế và vùi đầu chúng ta vào cát", ông Narang nhấn mạnh. Nhưng răn đe cũng là "trò chơi" mà Mỹ từng rất quen thuộc.

"Chúng ta biết cách làm điều đó", ông nói. "Chúng ta đã làm điều đó với Trung Quốc và Liên Xô, đồng thời trấn an được Tây Đức và châu Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chẳng có lý nào ta lại không thể làm vậy với Triều Tiên. Ông Kim không điên khùng hay mất lý trí nên sẽ phản ứng dựa trên các mục tiêu trong nước và mang tính chiến lược".

Để răn đe hiệu quả, theo Narang, Mỹ phải bổ sung hai điều còn thiếu: Một thông điệp xuyên suốt, thống nhất gửi tới Bình Nhưỡng từ chính quyền Donald Trump cùng một cam kết đáng tin cậy và mạnh mẽ đối với những đồng minh trong khu vực.

Ngoài việc ngăn chặn các cuộc tấn công từ Mỹ, những vụ thử hạt nhân hay tên lửa Triều Tiên còn nhằm gây chia rẽ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả Trung Quốc, dù Bắc Kinh không phải đồng minh của Washington. Nếu khả năng xử lý vấn đề Triều Tiên của Mỹ bị hoài nghi, Hàn Quốc và Nhật Bản chắc chắn phải đối diện với áp lực tìm ra những chiến lược độc lập để đối phó, thậm chí tính đến chuyện tự mình phát triển vũ khí hạt nhân.

Hơn nữa, với việc Mỹ thời gian qua truyền đi những thông điệp bất nhất về vấn đề Triều Tiên, Bình Nhưỡng càng có cớ để tăng tốc nhằm chiếm ưu thế mặc cả trước Washington, đồng thời củng cố năng lực.

"Chừng nào bất đồng còn tồn tại, rất khó để xây dựng vị thế răn đe rõ ràng và hiệu quả", ông Narang nhận xét. "Thời điểm này, chúng ta vẫn nên để ngỏ các kênh đàm phán song song với việc tạo dựng khả năng răn đe và trấn an đồng minh".

Mặt khác, theo ông Narang, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nên hạ giọng trong các bài viết đăng trên mạng xã hội Twitter. "Khi Tổng thống Trump tweet rằng Hàn Quốc nên ngừng \'thỏa hiệp\' với Triều Tiên, Bình Nhưỡng có lẽ cảm thấy không gì vui hơn bởi chiến lược của họ đã phát huy tác dụng".

Không phụ thuộc vào Trung Quốc

ba cach khong tieng sung my co the xu ly khung hoang trieu tien
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Những nỗ lực trước đây nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc cũng như Nga để áp đặt biện pháp trừng phạt hay gây áp lực chính trị lên Triều Tiên. Tổng thống Mỹ dường như ủng hộ nhiệt tình phương pháp tiếp cận này. Ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hôm 3/9, ông Trump tweet rằng Bình Nhưỡng "đã trở thành một mối đe dọa lớn và là nỗi xấu hổ đối với Trung Quốc, nước đang cố gắng giúp đỡ nhưng đạt được rất ít thành công".

Song lợi ích quốc gia của Trung Quốc và Nga không giống Mỹ. Theo ông Joel Wit, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins, chuyển trọng trách tìm kiếm giải pháp cho Moscow và Bắc Kinh sẽ khiến Washington đánh mất ít nhiều khả năng lãnh đạo và kiểm soát tình hình.

"Mỹ mãn nhất, Trung Quốc có thể đóng vai trò hỗ trợ, cả trong việc tạo áp lực lẫn tác động ngoại giao lên Triều Tiên", Wit nói. "Nhưng họ chưa và sẽ không làm theo ý muốn của Washington - giải quyết vấn đề cho Mỹ bằng cách gây áp lực toàn diện".

Ngay cả nếu Bắc Kinh thuận theo ý Mỹ, mọi chuyện chắc chắn cũng không dễ dàng, Wit đánh giá. "Người Triều Tiên sẽ không lảng tránh và làm ngơ trước một mối đe dọa hiện hữu. Họ sẽ đáp trả".

Theo ông Wit, chính quyền Trump "khó lòng đảm bảo được mối quan hệ hợp tác" với Bắc Kinh nếu khăng khăng cho rằng Triều Tiên là vấn đề chính của Trung Quốc. Trái lại, Bình Nhưỡng dường như đang tận dụng mối rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh để đẩy nhanh phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thay vì chỉ tay về phía Bắc Kinh, Washington cần chấp nhận sự thật rằng vấn đề cốt lõi nằm ở Mỹ và Triều Tiên, không phải Trung Quốc.

Đối thoại, đàm phán và thỏa hiệp

ba cach khong tieng sung my co the xu ly khung hoang trieu tien
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

Nếu Mỹ mong đạt được điều mình muốn, họ cần biết mình muốn gì và có thể sẽ phải từ bỏ điều gì đó để giành lấy nó, cây bút Eric Talmadge từ AP nhận định.

Theo ông John Delury, phó giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc, con đường thực tế nhất để giải quyết khủng hoảng cần đi theo ba bước: "Đối thoại, đàm phán và thỏa hiệp".

"Nếu không nói chuyện với Kim Jong-un hay những cố vấn cấp cao cho ông ấy, chúng ta không thể biết mình đang phải đối phó với ai, vị thế của họ là gì, chúng ta có thể cho và nhận lại điều gì từ họ. Đối thoại sẽ đưa chúng ta tới đàm phán, những bước trong ngắn hạn giúp giảm thiểu rủi ro, giảm tâm lý thù địch, thậm chí xây dựng được cả một chút niềm tin", Delury cho hay.

Ông nhấn mạnh Mỹ cần xác định rõ ràng và cụ thể quan điểm. Các nhà đàm phán nên tập trung thuyết phục Bình Nhưỡng tạm ngừng thử hạt nhân và tên lửa, đóng băng việc sản xuất vũ khí hạt nhân, cho phép những nhà điều tra hạt nhân trở lại Triều Tiên, đồng thời tăng cường tính minh bạch. Một cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân là thứ cần phải có.

Mặt khác, Mỹ cùng các đồng minh cũng cần đưa ra lựa chọn. "Đối với những vấn đề ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ, chính quyền Trump, qua tham vấn chặt chẽ cùng Seoul và Tokyo, phải cân nhắc họ sẵn sàng làm gì và bỏ qua việc gì", phó giáo sư Delury gợi ý.

Bình Nhưỡng nói muốn một sự bảo đảm về an ninh và Washington xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân mà họ mang đến khỏi bán đảo Triều Tiên. Hai yêu cầu trên không dễ được Mỹ chấp nhận. Song ít nhất Washington có thể cân nhắc một yêu cầu khác từ Bình Nhưỡng: Giảm quy mô hoặc hủy các cuộc tập trận thường niên với Seoul.

Trong dài hạn, theo Delury, Mỹ cần trực tiếp giải quyết "bản chất vấn đề, dồn nỗ lực cho việc thỏa hiệp chính trị" nhằm thay đổi cơ bản mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên. "Hãy tạm gọi đó là \'đối thoại hòa bình\' khi chưa tìm ra cụm từ nào tốt hơn", ông nói.

Delury cho rằng các cuộc đàm phán "nên đề cập sâu tới hợp tác kinh tế, bởi thứ duy nhất vừa giúp thay đổi hiện trạng vừa đủ sức thu hút ông Kim Jong-un chính là viễn cảnh một Triều Tiên không những an toàn mà còn thịnh vượng".

"Không có câu trả lời dễ dàng hay biện pháp đơn giản" cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên, Delury quả quyết. "Ngay cả nếu chúng ta cố gắng hết sức để cải thiện mối quan hệ, đây cũng sẽ là một quá trình chậm chạp, lâu dài. Vậy nên, điều quan trọng hơn cả là phải suy nghĩ thực tế trong việc đối phó với Triều Tiên".

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/ba-cach-khong-tieng-sung-my-co-the-xu-ly-khung-hoang-trieu-tien-3638153.html

/ vnexpress.net