Anh trai người bị Triều Tiên bắn chết phản bác chính phủ Hàn Quốc

Lee Rae-jin, anh của quan chức bị bắn chết, bác tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc rằng ông này từng thông báo ý định đào tẩu với lính Triều Tiên.

Cái chết của quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc họ Lee làm dấy lên tranh cãi về lý do cũng như cách thức ông này tử vong và trôi nổi trên vùng biển Triều Tiên gần 36 giờ sau khi mất tích.

Cảnh sát biển Hàn Quốc cho hay dựa theo hình ảnh từ camera giám sát, thông tin tình báo quân sự và các dữ liệu khác, họ nhận định rằng ông Lee, 47 tuổi, từng nói với quân đội Triều Tiên rằng ông muốn đào tẩu và họ nắm được các thông tin cá nhân của ông.

"Chúng tôi xác nhận rằng Triều Tiên đã nắm được những thông tin cá nhân mà chỉ mình ông ấy biết, bao gồm tên, tuổi, quê quán, chiều cao. Người mất tích này cũng từng bày tỏ mong muốn đến Triều Tiên", Yoon Sung-hyun, trưởng nhóm điều tra và tình báo của Cảnh sát biển Hàn Quốc, nói.

Yoon cho biết quan chức họ Lee này đang nợ 282.000 USD, chủ yếu là do cờ bạc, nhưng chưa rõ đây có phải là lý do thúc đẩy ông này đào tẩu hay không.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm nay ở Seoul, Lee Rae-jin, anh trai của quan chức trên, bác bỏ thông tin mà Cảnh sát biển Hàn Quốc đưa ra.

Lee khẳng định cái chết của em là tai nạn, bởi em trai ông rất tự hào về công việc của mình, vừa được trang bị một tàu tuần tra mới và đã để lại thẻ công chức trên tàu, vật dụng vốn có thể giúp ông này đào tẩu dễ dàng hơn.

5712 image 8794 1601367460
Lee Rae-jin, anh trai của quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết, phát biểu trong buổi họp báo hôm nay ở Seoul. Ảnh: Reuters.

Lee Rae-jin đặt nghi vấn về bằng chứng thu được từ thông tin tình báo của quân đội Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên có thể đã tạo đoạn hội thoại giả trên sóng vô tuyến khi biết rõ quân đội hai bên thường xuyên nghe trộm lẫn nhau.

"Đa số đàn ông lớn tuổi như chúng tôi đều nợ nần và có vấn đề với gia đình, nhưng ai lại đào tẩu sang Triều Tiên vì điều đó chứ?" Lee Rae-jin nói.

Lee cáo buộc quân đội và chính phủ Hàn Quốc đã để lỡ "cơ hội vàng" cứu mạng em mình, khi từ chối yêu cầu của ông điều thêm tàu và trực thăng tìm kiếm trong những giờ đầu em trai mất tích, khi người này có thể đang trôi giạt trên biển.

Lee cho hay chỉ có vài con tàu và một trực thăng được huy động để tìm kiếm hôm 21-22/9. Em trai ông mất tích hôm 21/9 và bị lính Triều Tiên bắn chết vào hôm sau khi xuất hiện ở vùng biển nước này.

"Em tôi thậm chí từ chối tham gia kinh doanh cùng tôi, nói rằng muốn nghỉ hưu với tư cách là công chức và tự hào về điều này", Lee nói.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc, xin lỗi về vụ binh sĩ nước này bắn chết quan chức ngư nghiệp, giải thích rằng ông Lee bị bắn vì không cung cấp danh tính và từ chối tuân thủ mệnh lệnh của chỉ huy tàu tuần tra Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định họ chỉ đốt cái phao mà ông này đã dùng, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây truyền Covid-19, không thiêu xác nạn nhân như thông tin do Seoul đưa ra.

Cảnh sát biển và Hải quân Hàn Quốc đã mở rộng phạm vi tìm kiếm thi thể quan chức ngư nghiệp trên với sự tham gia của hàng chục con tàu. Triều Tiên đến nay vẫn giữ im lặng về đề nghị mở cuộc điều tra chung.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đang tự tiến hành hoạt động tìm kiếm thi thể quan chức bị bắn chết, đồng thời cảnh báo tàu thuyền Hàn Quốc không xâm phạm vùng biển nước này khi tìm kiếm nạn nhân.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Tổng thống Hàn xin lỗi vì vụ quan chức bị Triều Tiên bắn chết Tổng thống Hàn xin lỗi vì vụ quan chức bị Triều Tiên bắn chết
Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên nối lại liên lạc quân sự Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên nối lại liên lạc quân sự
Triều Tiên hứa trao trả thi thể quan chức Hàn Quốc Triều Tiên hứa trao trả thi thể quan chức Hàn Quốc

/ vnexpress.net