Ấm áp tình người giữa mùa dịch

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày tháng tư chống dịch COVID-19, nhiều  người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn vốn đã nghèo nay còn gặp thêm “cái eo”. Nhưng họ đã không hề “bị bỏ lại phía sau”. Nhiều người Sài Gòn, với tấm lòng thơm thảo, đã góp công, góp sức, góp của để những người nghèo có thêm bữa ăn, suất gạo, những gói mì tôm giữa lúc tạm thời mất kế sinh nhai...  

Những bữa cơm nghĩa tình

Đã hơn 1 tuần nay, ngày nào ở đường Ngô Quyền (quận 10, TPHCM) cũng có hàng trăm người xếp hàng ngay ngắn đợi nhận cơm từ thiện của quán ăn Bình An. Người nhận cơm có người già, trẻ bán vé số, người đạp xích lô, người tàn tật... Họ nhẫn nại xếp hàng, tuân thủ quy định giữ khoảng cách an toàn với nhau 2m, đều đeo khẩu trang. Trước quán cơm, nước rửa tay, khẩu trang vải cũng được chuẩn bị sẵn.

Chỉ trong chừng 3 giờ đồng hồ buổi sáng, hàng trăm suất ăn miễn phí của quán cơm Bình An đã được trao đến tay những người lao động nghèo.

Ông Nguyễn Văn Tân (68 tuổi), làm nghề đạp xích lô vui mừng khi nhận được suất cơm miễn phí. “Mấy ngày nay không có khách nên tôi hầu như không có thu nhập gì. Biết tin quán ăn này có phát cơm nên tôi tranh thủ chạy tới đây để nhận. May có được suất cơm miễn phí nên cũng đỡ đói, đỡ lo. Tôi rất mừng” - ông Tân rưng rưng chia sẻ.

Để có sự chuẩn bị chu đáo đó, từ 2h sáng, anh Nguyễn Minh Nhựt, chủ quán, và vợ đã bắt đầu nhóm bếp chuẩn bị. Cùng phụ với vợ chồng anh là những người hàng xóm có chung tâm nguyện.

Động lực cho nhóm cố gắng hơn là rất nhiều mạnh thường quân tìm đến quán, “quan sát” cách hoạt động sau đó âm thầm góp gạo, góp trứng, góp tiền ủng hộ, chung tay san sẻ.

Tại đường Trần Nhân Tôn (quận 5), có một gia đình đã chuẩn bị hơn 200 túi thực phẩm gồm gạo, mì tôm, tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. “Nếu khó khăn cứ lấy 1 phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”.

Sài Gòn tháng tư này, những địa chỉ từ thiện như quán cơm Bình An, như gia đình ở đường Trần Nhân Tôn cũng khá nhiều.

“ATM gạo” nghĩa tình

Góc đường Vườn Lài, quận Tân Phú, một máy phát gạo tự động, miễn phí đã được lắp đặt. Chiếc máy hoạt động 24/24 nhằm hỗ trợ cho người lao động nghèo trong mùa dịch bệnh COVID-19. Hệ thống của máy là tổ hợp bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà, đường ống dẫn xuống phía dưới và một nút bấm thông minh có tích hợp cảm biến. Mỗi người khi đến đây chỉ cần nhấn nút là sẽ nhận được 1,5kg gạo đem về.

Theo dự kiến ban đầu, mỗi ngày chiếc máy sẽ phát khoảng 500kg gạo. Nhưng chỉ sau gần 2 ngày, gần 5 tấn gạo đã được phát ra. Nói về phát minh “có một không hai” này, anh Hoàng Tuấn Anh - chủ nhân chiếc máy chia sẻ: “Từ công việc là lắp đặt các thiết bị thông minh, tôi đã nghĩ ra chiếc máy này để phục vụ bà con. Việc phát gạo được bố trí, sắp xếp theo thứ tự để tránh tình trạng tụ tập, chen lấn. Mới đầu, chúng tôi lo ngại khi qua ngày đầu tiên đã phải dùng đến gạo dự trữ, không biết xoay sở ra sao. May mắn sau đó là đã có thêm trợ giúp của các mạnh thường quân khác nữa”.

Thật vậy, ngay sau khi biết tin về “ATM gạo”, nhiều người đã tự nguyện quyên góp, chở gạo từ khắp các ngả về đóng góp. Người vài chục ký, người vài tạ, thậm chí có người đánh xe tải, ôtô chở cả tấn đến góp. Nhờ đó, kho gạo cứ thế được đầy lên. Tới trưa ngày 8.4, số gạo người dân quyên góp đã được khoảng 4 tấn.

Người dân đứng chờ lấy gạo trên ô vuông được đánh dấu cách 2m. Tại điểm phát, ,có cả nước rửa tay sát khuẩn. Thậm chí, túi nylon đựng gạo cũng được bố trí sẵn. Ai đến lượt chỉ việc nhấn nút là nhận gạo đem về. Mọi thứ đều dễ dàng, đơn giản. Giản dị như tấm lòng mong muốn cho đi, mong muốn lan toả những điều tốt đẹp, giá trị nhân ái giữa đời sống này.

Giúp đỡ người nghèo bằng cách khác, ông Trần Quốc Minh (phường Tân Thành, quận Tân Phú) cũng giống như bao chủ trọ khác đã miễn tiền thuê cho người lao động vất vả. Ông Minh cho biết, thấu hiểu khó khăn với người dân nhập cư vì dịch bệnh, ông quyết định miễn một tháng tiền nhà cho tất cả người thuê nhà mình. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, đây là lúc cần phải đùm bọc nhau để vượt qua khó khăn”, ông Minh nói.

Nói đến tấm lòng hảo tâm của người Sài Gòn trong mùa dịch, có thể kể ra đây những hoạt động từ thiện của các cô giáo, những tiểu thương may tặng khẩu trang, miếng chắn ngăn giọt bắn, mũ chống dịch; những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng, những nghệ sĩ từ các vùng miền hiện sinh sống, thành danh tại Sài Gòn đã tiên phong đóng góp, giúp đỡ hàng tỉ đồng như Hà Anh Tuấn, Chi Pu, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên... góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Thấm hơn về tình người Sài Gòn giữa mùa dịch

GS Trần Ngọc Thêm - nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục Thể thao, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ những điểm mạnh quan trọng nhất của con người TP.Hồ Chí Minh là hội tụ được những tính cách văn hóa tinh hoa của con người Nam bộ. Tính cách đó được thể hiện ở sự chân thành, rộng rãi, cởi mở, hướng ngoại, dương tính. Điều này khác với con người âm tính hướng nội, khép kín ở Bắc bộ. Đây là những phẩm chất tính cách rất thích hợp cho việc xây dựng văn hóa đô thị, văn minh công nghiệp.

“Nghĩa tình là một giá trị truyền thống quý báu của người Việt Nam, song giờ đây cũng cần phải hiểu rộng hơn. Nghĩa tình trong truyền thống văn hóa làng xã là nghĩa tình của những con người quen biết nhau. Có quen biết nhau mới hỗ trợ nhau, giúp đỡ nhau, mới có nghĩa tình với nhau. Vào đến Nam bộ, tiêu biểu là người dân Sài Gòn, khái niệm nghĩa tình đã được mở rộng ra hơn. Nghĩa tình của người Nam bộ cần nói thêm đến ý thức, trách nhiệm xã hội” - GS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về tính cách nhân hậu của người Sài Gòn, ThS Trần Nam - giảng viên chuyên ngành Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, tính cách này góp phần xây dựng văn hoá phương Nam, là điều quý giá cần được gìn giữ.

“Một trong những tính cách của người Sài Gòn là nghĩa tình, phóng khoáng. Người Sài Gòn hiện nay không chỉ giới hạn là người có gốc ở thành phố này mà còn từ rất nhiều nơi từ mọi miền đất nước. Những tính cách làm nên đặc trưng của Sài Gòn được người nhập cư chia sẻ và thực hành, dần dần điều chỉnh tính cách của mình theo nó. Nhiều người ngoại quốc khi đến Sài Gòn cũng rất quý trọng tính cách này”, ThS Trần Nam nói.

Cũng theo ThS Trần Nam, người Sài Gòn rất trọng tính riêng tư cá nhân nhưng khi xã hội, hay một cá nhân gặp hoạn nạn thì đó là lại chuyện chung, không của riêng ai cả, cùng xắn tay vào giải quyết, đóng góp thầm lặng. Trong xã hội học, đặc trưng tính cách này của người Sài Gòn thể hiện một đặc tính gọi là đoàn kết xã hội - điều mà xã hội hiện đại thường có xu hướng giảm nhẹ, nhưng nó lại hiện diện ở thành phố này rất mạnh mẽ.

am ap tinh nguoi giua mua dich Danh sách những loại thực phẩm, đồ uống tốt nhất phòng dịch COVID-19
am ap tinh nguoi giua mua dich Dịch COVID-19 đến 6h ngày 11/4: Đã có hơn 100.000 người tử vong
am ap tinh nguoi giua mua dich Phó thủ tướng: "Cuộc chiến chống Covid-19 còn ở phía trước"

/ laodong.vn