30 năm hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích: Chuyện từ người trong cuộc

Việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam suốt 30 năm qua gặp không ít khó khăn và nguy hiểm song đã lại là "cầu nối" thúc đẩy quan hệ 2 nước

Tuần qua, tại Hà Nội, Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 30 năm hợp tác lâu bền nhằm tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Bên cạnh những nghi thức trang trọng, lễ kỷ niệm trở thành cuộc gặp gỡ thân tình của những người đã cùng nhau thực hiện sứ mệnh nhân đạo này suốt thời gian dài.

Nhiệm vụ nguy hiểm

Ông Buddy Newell, nhân viên phân tích của Mỹ, đã làm việc tại Văn phòng Tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ở Việt Nam từ năm 1991. Tại lễ kỷ niệm này, trong lòng ông cảm giác buồn vui lẫn lộn vì sau những mất mát trong quá khứ, mối quan hệ giữa 2 nước đã tốt hơn rất nhiều.

30 nam hop tac tim kiem nguoi my mat tich chuyen tu nguoi trong cuoc

Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 147 tại Đà Nẵng sáng 11-12 Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN MỸ

Đến Hà Nội khi mới hơn 20 tuổi, mỗi lần hoàn thành một đợt tìm kiếm, ông đều thấy phía Việt Nam nỗ lực rất lớn, từ lãnh đạo trung ương đến huyện, xã và cả người dân ở hiện trường. Ông không thể quên được vụ rơi trực thăng vào ngày 7-4-2001. Chín người Việt Nam và 7 chuyên viên MIA của Mỹ tử nạn tại một vùng đồi núi ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong số các nạn nhân có cán bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Việt Nam, 7 thành viên phi hành đoàn. Các nạn nhân người Mỹ thuộc Trung tâm Thí nghiệm và Nhận dạng trung ương Quân đội Mỹ ở Hawaii và một số chuyên viên biệt phái.

Với Chuẩn đô đốc Jon Kreitz, Phó Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), nỗi đau về sự mất mát của các thành viên trong đội tìm kiếm chung vào năm 2001 sẽ mãi gắn kết 2 nước. "Đó cũng là lời nhắc nhở về nhiệm vụ này có thể nguy hiểm như thế nào và thật cần thiết để chúng ta tiếp tục làm việc chặt chẽ, hợp tác với nhau để bảo đảm sự an toàn của các đội hỗn hợp" - ông Jon Kreitz nói.

Một cán bộ Việt Nam từng tham gia đội tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ cũng kể về giây phút "chết hụt" của ông và các thành viên trong nhóm khi một lần ôtô của nhóm suýt nữa rơi xuống vực.

Nếu việc tìm kiếm hài cốt khó khăn và nguy hiểm thì việc giám định các hài cốt này cũng gian nan không kém. Có những bộ hài cốt phải mất đến 15 năm mới xác định được nhân thân.

Chuẩn đô đốc Jon Kreitz hồi tưởng Việt Nam và Mỹ bắt đầu đợt tìm kiếm chung lần đầu tiên vào tháng 9-1988. Kể từ đó, các nhân viên điều tra, khai quật và khoa học của Mỹ và Việt Nam đã tham gia 133 đợt hoạt động hỗn hợp. Kết quả trong 1.973 quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ được coi là mất tích ở Việt Nam, đến nay, hài cốt của 726 người đã được xác định và trao trả cho người thân của họ. Hai bên đang tiếp tục nỗ lực nhằm tìm kiếm 1.247 người còn lại.

Từ các cuộc tìm kiếm chung đầu tiên chỉ có 2 đội, mỗi đội 3 người, các cuộc tìm kiếm hiện tại có tới 95 chuyên viên của Mỹ chia làm 7-9 đội. Thời gian cho mỗi cuộc tìm kiếm từ chỗ giới hạn trong 10 ngày đến nay đã có những đợt kéo dài tới 45 ngày, tối đa 6 đợt mỗi năm.

Gắn kết 2 quốc gia

Vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA) là yêu cầu cơ bản của Mỹ đặt ra với phía Việt Nam để 2 nước thảo luận các bước cải thiện quan hệ. Về phía Việt Nam, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMB) được thành lập chỉ một thời gian ngắn sau khi Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 được ký kết với nhiệm vụ tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích.

Từ trước khi bắt đầu những hoạt động hiện trường đầu tiên của 2 bên vào năm 1985, đã có các cuộc thảo luận cấp cao giữa 2 chính phủ Việt Nam và Mỹ trong nhiều năm. Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho đại diện Liên đoàn Quốc gia các gia đình POW/MIA thăm Hà Nội trong năm 1982. Chuyến đi này đã tạo chuyển biến trong đối thoại song phương sau chiến tranh và là một bước tiếp theo trên con đường hướng tới bình thường hóa quan hệ.

"Các hoạt động nhân đạo này đã nuôi dưỡng môi trường hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Thật sự ý nghĩa khi sứ mệnh chung của chúng ta là nền tảng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa thương mại. Điều này góp phần cho an ninh, ổn định và sự phồn vinh, là biểu trưng cho mối quan hệ chiến lược Mỹ hiện có với Việt Nam" - Giám đốc DPAA Kelly McKeage nêu trong bức thư gửi tới sự kiện.

Theo ghi nhận, hoạt động tìm kiếm trực tiếp có sự tham gia của các cựu chiến binh và người dân Việt Nam, những người đã cung cấp thông tin nhân chứng trực tiếp và lời chứng thực, đưa đến các hoạt động khai quật có kết quả nhất là khi lời kể của các nhân chứng đã cung cấp thông tin quan trọng về các địa điểm chôn cất đơn lẻ, một trong những loại hiện trường khó xác định nhất. Hàng ngàn công dân Việt Nam cũng đã hỗ trợ các đội của Mỹ tại các hiện trường khai quật.

Ngoài ra, phía Mỹ ghi nhận những cuộc điều tra và khai quật đơn phương của các đội khai quật Việt Nam đã rất xuất sắc khai quật những hiện trường chôn cất đơn lẻ và các hiện trường máy bay rơi quy mô nhỏ hơn, tìm ra các manh mối và nhận dạng mới. Đồng thời, nhiều kết quả rất tích cực từ việc chuyển giao một số lượng lớn các tài liệu lưu trữ đang cung cấp thông tin đáng kể, giải quyết những trường hợp khó khăn.

Dương Ngọc

/ https://nld.com.vn