10 dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm \'nhiễm trùng máu\'

Nhiễm khuẩn huyết hay còn gọi nhiễm trùng máu là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng rất khó chẩn đoán.
 

Theo Reader\'s Digest, dưới dây là 10 dấu hiệu giúp nhận ra sớm căn bệnh chết người này.

Ớn lạnh là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm \'nhiễm trùng máu\'

Sốt

Thực tế, hiện nay vẫn có nhiều người chưa bao giờ nghe đến từ nhiễm khuẩn huyết. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm xảy ra khi xuất hiện nhiễm trùng ở đâu đó trên cơ thể và ảnh hưởng đến dòng máu. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết từ một tình trạng nhiễm trùng ban đầu, ví dụ như viêm phổi, viêm đường tiết niệu hoặc thậm chí là một vết thương hở ở tay hoặc chân.

Mặc dù nhiễm khuẩn huyết có thể điều trị bằng kháng sinh nếu phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết rất dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác và thường không được chẩn đoán sớm. Nhiễm khuẩn huyết xảy ra khi các độc tố từ các cơ quan bị nhiễm trùng đi vào máu, gây viêm và sốt.

Hạ thân nhiệt

Trong một số trường hợp, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng là hạ thân nhiệt. Nhiều nghiên cứu cho thấy hạ thân nhiệt có thể cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng hơn và tiên lượng thường sẽ xấu hơn.

Ớn lạnh

Chỉ có người bệnh mới cảm nhận được ớn lạnh. Nhiều trường hợp sốt đi kèm ớn lạnh hay bị nhầm lẫn với tình trạng nhiễm trùng khác, ví dụ như cúm. Cho nên, khi sốt và ớn lạnh đi kèm với các triệu chứng tiêu biểu khác của nhiễm khuẩn huyết thì phải hết sức cẩn trọng.

Đau hoặc khó chịu

Khi bị nhiễm khuẩn huyết, cơn đau có thể xảy ra trên toàn cơ thể hoặc có khi chỉ đau ở một số điểm nhất định. Một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của nhiễm khuẩn huyết là đau bụng, đau chân, theo Reader\'s Digest.

Hạ huyết áp

Hạ huyết áp là biểu hiện đặc trưng nhất của nhiễm trùng đường huyết và có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn (giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh). Hạ huyết áp xảy ra trong bệnh nhiễm khuẩn huyết là do các mạch máu bị mất nước, động mạch và tĩnh mạch giãn ra, máu không thể lưu thông khắp cơ thể. Trong trường hợp nặng, hạ huyết áp thậm chí còn không đáp ứng với việc bù dịch và người bệnh cần phải được tiêm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch để làm tăng huyết áp.

Tim đập nhanh

Khi bị nhiễm khuẩn huyết, tim sẽ cố gắng bơm máu để có thể chống lại nhiễm trùng. Theo các chuyên gia y tế, hai cách mà cơ thể thực hiện để tăng lượng máu được bơm đi đó là tăng nhịp tim hoặc tim sẽ co bóp mạnh hơn. Nhịp tim trên 90 lần/phút có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết, theo Reader\'s Digest.

Khó thở

Nhiễm khuẩn huyết cũng gây khó thở cho người bệnh. Nếu nhiễm trùng xảy ra ở phổi thì lượng oxy hít vào sẽ bị giảm đi và cơ thể sẽ đáp ứng với việc này bằng cách thở nhanh hơn, từ đó gây khó thở.

Da tím tái

Khi bị nhiễm khuẩn huyết, cơ thể sẽ vận chuyển máu tới các cơ quan quan trọng, nên các cơ quan ít quan trọng hơn như da sẽ trông nhợt nhạt, thậm chí có những đốm màu lạ.

Buồn ngủ hoặc lơ mơ

Tương tự cảm lạnh hoặc mệt mỏi, khi bị nhiễm khuẩn huyết, cơ thể cần được nghỉ ngơi để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng hạ huyết áp trong bệnh nhiễm khuẩn huyết góp phần gây ra triệu chứng uể oải, buồn ngủ cả ngày.

Ít tiểu tiện

Vì nhiễm khuẩn huyết gây mất nước nên người bệnh sẽ ít đi tiểu hơn so với bình thường.

Buồn nôn và tiêu chảy

Các triệu chứng về đường tiêu hóa do nhiễm trùng máu gây ra cũng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Cụ thể, khi bị nhiễm khuẩn huyết, cơ thể sẽ vận chuyển máu tới các cơ quan quan trọng nên máu đến các cơ quan ít quan trọng hơn sẽ ít đi, chẳng hạn như ruột, từ đó gây ra các triệu chứng về tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy.

http://thanhnien.vn/suc-khoe/10-dau-hieu-canh-bao-can-benh-nguy-hiem-nhiem-trung-mau-873486.html

/ Theo Ngọc Khuê/Báo Thanh niên