Vu Lan - Mẹ ơi con đã về

Ký ức của tôi không có mùa Vu Lan, chỉ đến khi xa nhà tôi mới biết có một ngày đặc biệt như thế để tri ân phụ mẫu.

Tuổi thơ tôi trôi đi trong triền miên của những ngày xuân mơ nở trắng rừng, ngày hè phượng cháy đỏ dưới trời nắng nóng, những buổi đêm lội suối bắt cua cùng ba, những mùa thu hiu hiu gió hắt và đêm đông lạnh giá khắc nghiệt. Tuổi thơ của tôi là những trưa hè oi ả, trốn ba mẹ chơi đánh đáo cùng đám bạn, những cơn mưa đá bất chợt phá hoại mùa màng mà tôi ngốc nghếch vui đùa cùng đám bạn, không nghĩ đến công lao của ba mẹ cày cấy đêm ngày. Tôi lớn lên trong tình thương và sự quan tâm lo lắng của ba mẹ và gia đình. Dù thế nào ba mẹ vẫn luôn lo lắng chăm sóc cho chị em tôi được bằng bè bằng bạn.

Nhưng dường như, tôi cho đi ít quá những yêu thương, tôi ít nghĩ đến gia đình, đến nỗi vất vả của ba mẹ đêm ngày. Chỉ đến khi đỗ đại học, phải xa nhà sống một mình trên thành phố lớn tôi mới thấm thía cái cảm giác nhớ nhà, cảm giác trống trải, cô đơn khi không có người thân bên cạnh.

Còn nhớ ngày đầu tiên xa nhà tôi đã khóc suốt một đêm vì sợ. Một Hà Nội lạnh lẽo không có người thân, một Hà Nội nhộn nhịp đông đúc nhưng lòng tôi lại vô cùng trống vắng. Trong đêm khuya tôi chỉ biết gọi mẹ và thổn thức. Không có ai đáp trả tiếng tôi gọi, chị bạn cùng phòng cũng về quê. Một đêm rồi hai đêm như vậy tôi thu mình vào góc giường ôm gối cố ngủ chắc giờ này mẹ cũng thao thức vì tôi.

Dần dà, tôi quen với cách sống của chị cùng phòng nên không mong ngóng chị nữa. Tôi sống nhiều hơn những ngày tháng một mình và biết thêm được rằng chị cùng phòng phải đi làm thêm rất nhiều để tự mình trang trải học phí vì bố mẹ chị đều mất sức lao động. Ở Hà Nội, tôi tập quen với phố xá nhộn nhịp, đông đúc, tập quen những con đường tấp nập xe cộ. Những lúc như vậy tôi thấy yêu cánh đồng lúa quê hương biết mấy, nhớ tiếng gà gáy báo thức mỗi sớm mai, hương nếp nương mẹ đồ bán buổi sáng, nhớ tiếng rít thuốc lào giữa đêm khuya của bố, tiếng ngâm Kiều của ngoại… Nhớ cả những lần hai chị em dành ăn với nhau bị bố phạt đứng mỗi đứa một góc nhà gãi muỗi…

Còn nhớ ngày bé, có lần tôi trốn đi chơi, đến khi rơi xuống một vũng lầy mất cả nửa ngày trời mới có người lôi lên, bố mẹ đi tìm tôi khắp nơi, đến chập tối tôi mới tìm được đường về nhà, quần áo lấm lem đầy bùn đất, chân trần, người sặc mùi bùn. Mẹ tắm táp cho tôi rồi giục tôi đi ăn và đi ngủ. Bố không nói gì nhưng sáng hôm sau tôi bắt đầu nhận hình phạt của bố: ba cái roi mây và một tuần quét dọn nhà vệ sinh, ngày nào cũng phải làm, không được nhờ mẹ. Và cứ thế mỗi lần tôi sai, tôi biết trước hình phạt.

vu lan me oi con da ve

Ảnh minh họa: Internet.

Nhưng có một lần tôi rủ thằng em ăn trộm xoài nhà hàng xóm, bị người ta bắt được, lôi hai chị em đến tận nhà giao cho bố. Bố nổi giận đùng đùng bắt hai chị em nằm xuống chõng, bố vừa đánh vừa quát: “Nhà này tuy nghèo nhưng bố không để chúng mày chết đói bao giờ. Làm sao mà lại đi ăn trộm ăn cắp hả? Bố có dạy chúng mày ăn trộm của người ta bao giờ không? Con ơi là con! Muốn ăn thì phải lao động, người ta mất bao nhiêu năm trời để trồng cây, vun đất, giờ chúng mày đi ăn trộm.” Bố đánh chúng tôi nhừ tử hôm ấy rồi ngồi đầu hè hút thuốc trầm ngâm. Mẹ không dám can vì biết tính bố. Đó dường như là bài học đường đời đầu tiên bố dạy chị em tôi.

Chợt có tiếng rao đêm của bác bán bánh mì đầu ngõ, tôi lại ngẩn người nhớ mong, tiếng rao của mẹ: “Ai mua xôi đây, xôi đậu, xôi dừa, xôi gấc nào”. Thứ xôi nếp nương mẹ đồ mỗi sáng, ngon nhất, dẻo nhất tôi từng được ăn mỗi sáng đến trường. Mẹ vất vả mỗi sáng để cho chị em tôi ngon giấc mỗi ngày nhưng tôi vô tâm quá, chỉ đến khi xa nhà tôi mới thấy rằng tình cảm gia đình quan trọng nhường nào. Được nghỉ ôn thi một tuần, tôi bắt xe về quê, đêm đến ngủ với mẹ, tự nhiên muốn mẹ xoa lưng. Một cảm giác thô ráp chạy dọc sống lưng tôi, tôi nén lòng không dám khóc, cầm tay mẹ ủ trước ngực, tay mẹ đường chỉ dọc ngang, chai sạn, cứng cáp nhưng vẫn ấm áp vô cùng. Tôi nín lặng, mẹ hỏi gì cũng không nói, nước mắt lặng lẽ rơi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự vất vả của mẹ, vì chúng tôi mẹ thầm lặng hy sinh tất cả, để đánh đổi lại là những vết chai sần trong lòng tay, những nếp nhăn trên gương mặt rám nắng và cả căn bệnh viêm phế quản mãn tính.

Còn bố tôi, ông nhiều lần say sưa khi công việc thất bại, lắm lúc còn trút lên chúng tôi nhưng tôi hiểu hết tấm lòng của một người cha già. Bố tôi không gọi điện nhắc tôi về bao giờ, chỉ bảo rằng: “Khi nào không bận gì thì về, con cứ lo học đi, việc học là quan trọng”. Dù không nói nhưng tôi biết bố mong tôi về lắm. Mẹ nói rằng, ngày nào con về rồi đi bố cũng thức cả đêm hút thuốc lào, rồi lại lọ mọ cái này cái kia mà không ngủ. Còn mẹ, reo vui như tết mỗi lần tôi nói tôi sẽ về nghỉ dài ngày.

Rồi ngày tôi ra trường mẹ lại gói ghém đủ thứ cho tôi đem đi. Mẹ không đưa tôi ra xe bao giờ vì tôi biết mẹ lại một mình khóc ở chái bếp. Đêm đến, em trai tôi thủ thỉ: “Chị đi rồi! Sao chị lâu về thế mà lại đi nhanh mẹ nhỉ? Không biết ở ngoài ấy chị có được ăn uống đầy đủ không? Có bị ai bắt nạt không hả mẹ?” rồi nó thở dài thườn thượt. Tôi biết nó cũng mong tôi về lắm nhưng cũng như bố và mẹ, chẳng bao giờ nó nói, cứ giấu nỗi buồn trong lòng và mong chị.

Tôi xa nhà, càng thấm thía cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương, tôi tranh thủ từng ngày nghỉ về thăm quê, tôi nhận thấy niềm vui trong từng ánh mắt của bố mẹ và em. Rồi tình cờ tôi được đến dự một buổi lễ ở chùa gọi là lễ Vu Lan. Một ngày lễ báo ân cha mẹ. Tôi ngồi trong nhà giảng nghe quý thầy giảng về nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ mà thấy lòng hổ thẹn vô cùng khi mình chưa làm được gì để dâng chữ Hiếu tặng cha, tặng mẹ. Tôi cúi mình trước đức Phật bao dung, nước mắt rơi, tôi sám hối vì đã nhiều lần làm bố mẹ buồn, tôi thấy có ai đó đang cài lên áo của các bố, mẹ những bông hoa hồng và tôi chưa bao giờ được cài hoa cho bố mẹ, chưa bao giờ nói rằng con yêu bố mẹ, chưa bao giờ.

Từ đó, mùa Vu lan xuất hiện trong tâm trí tôi mỗi độ thu về, tháng 7 mưa ngâu như nước mắt mẹ mỗi đêm nhớ con, tháng 7 âu sầu tình Ngưu Lang - Chức Nữ, tháng 7 tuổi thơ tôi vẫn hồn nhiên thổi nến sinh nhật ấm áp cùng gia đình. Tháng 7, tôi trở về lòng mẹ và nói khẽ: “Mẹ! Mẹ ơi! Con đã về”.

Theo Ngoisao.net