Việt Nam trước những biến động toàn cầu năm 2019 (phần 2)

Tình hình quốc tế năm 2019 sẽ đầy biến động và khó lường, nhưng cho dù  có  diễn  biến  thế nào thì nhân loại vẫn phải sống và vươn tới hòa bình và thịnh vượng, phải cùng nhau đối phó, đấu tranh với những yếu tố đe dọa tới an ninh chung. 

Tình hình có thể diễn ra phức tạp, gay gắt ở nơi này nơi khác, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chính của thế giới, không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, các nước nhỏ trên thế giới đã có đủ thời gian và kiên nhẫn nhìn nhận là trật tự thế giới do các nước lớn thương thảo chi phối để đi đến một thỏa hiệp nào đó là cả một quá trình đánh đổi, chèn ép, gạt bỏ quyền lợi của các quốc gia nhỏ bé, nếu các nước không biết chọn hướng đi thích hợp sẽ bị lôi cuốn vào các quyền lực lớn khi đó rất khó vươn dậy.

Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này. Lịch sử đã cho ta bài học đó. Xung đột Biển Đông cũng đang lặp lại quá khứ. Việt Nam đang bị áp lực trước mục tiêu chiến lược của cả Trung Quốc và Mỹ, với địa chính trị vô cùng quan trọng do có phần lớn chủ quyền Biển Đông với trên 3.000km bờ biển sẽ rất thuận lợi cho sự mở rộng, phát triển nối liền Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, rộng hơn là gắn kết Châu Á và các châu khác trên thế giới qua đường biển. Do đó ta dễ nhận thấy chiến lược phát triển của Trung Quốc “Một vành đai, một con đường” và chiến lược “Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương” của 4 nước (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) không thể không tính tới vai trò của Việt Nam. Và có thể nói Biển Đông và Việt Nam đang là tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy Việt Nam sẽ hứng chịu những nguy cơ đe dọa chủ quyền an ninh lớn nhất nhưng đồng thời cũng là mục tiêu của các nước hướng tới sự hợp tác để đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Do vậy Việt Nam đã vững chắc đứng trong cộng đồng các nước ASEAN, và là đối tác chiến lược của nhiều nước lớn trong khu vực như Mỹ, Nhật, Ấn Độ… Trung Quốc là quốc gia láng giềng lớn nhất khu vực, đang uy hiếp trực tiếp chủ quyền lãnh thổ của nước ta trên Biển Đông, song vẫn là đối tác chiến lược quan trọng của nước ta từ nhiều năm nay.

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2

Hội nghị 11 nước phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định này, là cơ hội cho các nước và góp phần ổn định tình hình và an ninh ở khu vực

Vì vậy, chúng ta cần nhận thức sâu sắc những diễn biến của tình hình quốc tế hiện nay để vận hành các mối quan hệ quốc tế cho phù hợp. Sự lựa chọn chính sách đối ngoại đa phương và cân bằng với các nước lớn, lấy hợp tác cùng phát triển để giải quyết bất đồng, xung đột như Đảng và Nhà nước ta đã thi hành trong nhiều năm qua là bài học vô cùng quí giá trong xây dựng và bảo vệ đất nước, nhờ đó ta đã giữ vững được độc lập, hòa bình, ổn định và phát triển như hiện nay.

Chúng ta đã có đường lối, chính sách đúng đắn nhưng trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay thì điều quan trọng là phải nhìn rõ nguy cơ thách thức mới và cơ hội mới. Sự đổ vỡ nhiều hiệp định, hiệp ước quốc tế về kinh tế thương mại, an ninh, quốc phòng là những nguy cơ tiềm tàng đe dọa an ninh chủ quyền và hội nhập quốc tế, song cũng mở ra những điều kiện mới cho các quốc gia khi các nước điều chỉnh những mối quan hệ quốc tế của mình, trong đó hợp tác song phương là vô vùng quan trọng. Việt Nam cần tích cực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CP TPP và tận dụng cơ hội này để tăng cường hội nhập, thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghệ của thị trường thế giới, trong đó cần nghiên cứu kỹ những biến động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để xây dựng chính sách kinh tế đối ngoại mới, tận dụng mọi điều kiện và khả năng, nhu cầu của từng quốc gia để khai thác công nghệ, đầu tư và mở rộng thị trường kể cả ngắn hạn và dài hạn. Trong khi chú trọng mở rộng quan hệ với các nước lớn, là một nước nhỏ, Việt Nam cần coi trọng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực, trước hết trong nội khối ASEAN, tạo ra mối liên kết chặt chẽ, từ đó mở rộng hợp tác ra các nước khác trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, xa hơn là Ấn Độ và Nga… Những mối liên kết này là rất quan trọng và cần thiết để cân bằng quan hệ với các nước lớn ở khu vực, nhất là Trung Quốc và Mỹ.

Đối với Mỹ, dù là quốc gia có tiềm lực bậc nhất thế giới, đang trên đường thực hiện tham vọng phục hồi vai trò lãnh đạo thế giới, các chính sách của Mỹ đang hướng vào làm suy yếu các khối, các tổ chức, các quốc gia đang đe dọa quyền lợi của Mỹ. Song, Việt Nam không nằm trong mục tiêu Mỹ làm suy yếu; trái lại, Mỹ luôn nhấn mạnh là đối tác toàn diện, đồng minh tiềm tàng. Tuy nhiên, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều rào cản đến từ phía Mỹ và thực lực của Việt Nam cũng chưa đủ điều kiện để là đối tác của Mỹ. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là thị trường thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Trong quan hệ với Việt Nam, Mỹ vì mục đích chính trị hơn là mục đích kinh tế. Mỹ công khai quan điểm mong muốn làm cho Việt Nam mạnh lên để tạo thế cân bằng trong khu vực. Chính sách của Hoa Kỳ gần đây, kể cả khi ông Donald Trump làm Tổng thống, khi làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam đều nhấn mạnh sự hợp tác hơn là gây áp lực.

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2

Biển Đông đang là tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khởi nguồn cho mọi cuộc xung đột chủ quyền và mất an ninh ở khu vực

Những động thái này cho thấy Mỹ đang ngỏ cửa để Việt Nam phát triển hợp tác với Mỹ. Đây là cơ hội lớn ta cần khai thác triệt để. Tuy nhiên, ta cần có một lộ trình ngắn hạn và dài hạn và đặt trong mối quan hệ cân bằng giữa các nước lớn; các lĩnh vực hợp tác với Hoa Kỳ không gây lo ngại cho các nước láng giềng và khu vực, nhất là với Trung Quốc. Trước mắt cần nghiên cứu kỹ những khoảng trống do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra để điều chỉnh chính sách và kế hoạch xuất khẩu các mặt hàng vào Mỹ mà Việt Nam có thế mạnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ và các nước khác khi rút khỏi Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao, các lĩnh vực giáo dục và y tế. Mặt khác, chúng ta không phản đối sự có mặt của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì mục đích hòa bình, an ninh và phát triển. Duy trì sự hợp tác song phương trên các lĩnh vực nhân đạo và an ninh phi truyền thống, mặt khác cần có phản ứng kịp thời thích hợp với những hoạt động của Mỹ gây nguy hại cho an ninh thế giới và khu vực cũng như Việt Nam.

Đối với Trung Quốc là một cường quốc kinh tế có vai trò quan trọng chi phối quan hệ quốc tế, đã đứng chân được ở nhiều khu vực chiến lược để tăng cường sức mạnh quân sự và chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhận thức của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và lợi ích cả trước mắt và lâu dài ở tất cả các vùng chiến lược. Các biện pháp để ngăn chặn làm suy yếu Trung Quốc của Mỹ ngày càng rõ ràng hơn cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Cuộc chiến tranh thương mại là đòn tấn công đầu tiên cùng với tăng cường lực lượng quân sự ở Châu Á - Thái Bình Dương mới đây hướng vào Trung Quốc đã và đang gây hậu quả đáng kể cho nước này. Trung Quốc đang tìm mọi cách để thoát ra “vòng vây” của Mỹ bằng cách tăng cường liên kết với các nước lớn như Nga, EU và cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc… đặc biệt sử dụng chính sách kinh tế và chiến lược “Một vành đai, một con đường” để củng cố, tranh thủ các nước ASEAN. Việt Nam lúc này không nằm ngoài chiến lược tranh thủ của Trung Quốc. Do vậy, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam và Trung Quốc mở ra hướng quan hệ mới tích cực hơn. Nói như vậy có nghĩa là quan hệ hợp tác giữa hai nước còn có nhiều khoảng cách, thất thường, lúc nóng lúc lạnh, lúc hữu nghĩ lúc gay gắt, kinh tế thương mại chưa phải là vấn đề lớn của hai nước. Việt Nam nhập siêu nhiều từ Trung Quốc, phần lớn là qua đường tiểu ngạch (21 tỉ USD/năm, gấp gần 3 lần xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, chỉ tính 11 tháng năm 2018).

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2

Đã đến lúc quan hệ hai nước phải có bước chuyển biến tích cực hơn. Đó là một yêu cầu khách quan. Lịch sử quan hệ hai nước cho thấy không theo chiều hướng đối đầu nhau. Nhu cầu hòa bình, hữu nghị, hợp tác là bao trùm, mang tính chiến lược. Xu hướng này đang chi phối và điều chỉnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều không thể phủ nhận là Trung Quốc cần một Việt Nam ổn định, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc. Đó là một yêu cầu rất quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc để vươn lên đứng đầu thế giới. Ngược lại Việt Nam cũng nhìn nhận một Trung Quốc phát triển, có trách nhiệm, vì lợi ích chung khu vực, sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam phát triển. Cả hai bên đều nhận thức rõ điều đó, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang phải căng thẳng đối phó với cuộc tấn công thương mại của Mỹ. Có điều Trung Quốc thể hiện là nước lớn, có sức mạnh vượt trội về quân sự, bằng những hoạt động áp đặt, thiếu kiềm chế và tự đưa ra định chế về chủ quyền Biển Đông một cách vô lý, đã thách thức chủ quyền quốc gia, dân tộc, đã phá vỡ DOC, sự nghi kỵ tăng lên, hữu nghị mất dần, lòng tin bị xói mòn. Đây là cản trở chính khiến cho quan hệ hai nước những năm vừa qua chưa có đột biến.

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2
Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống Donald Trump cuối năm 2017 đã khẳng định sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ toàn diện trên các lĩnh vực

Nhìn lại bước đi trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc gần đây đã có bước tiến đáng kể. Tình hình Biển Đông tạm lắng hơn, hai nước đã có nhiều hiệp định hợp tác với nội dung tích cực và lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh đến nhận thức của cấp cao hai nước về sự cần thiết thúc đẩy và hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng vẫn thiếu một vấn đề cơ bản là lòng tin, lòng tin xuất phát từ hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Biển Đông là bức rào cản quan hệ hai nước. Biển Đông không có hòa bình thì cả hai nước đều thiệt hại. Để giải quyết được vấn đề tối quan trọng này, cả hai bên đều cần xây dựng một tư duy mới, không thể lấy chủ nghĩa dân tộc nước lớn để giải quyết tranh chấp chủ quyền, mọi hoạt động đều phải hướng tới nhận thức chung là Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền lợi của nước khác, Trung Quốc phải thể hiện là một nước lớn có trách nhiệm cùng các nước ASEAN sớm đi đến thỏa thuận COC là cơ sở giải quyết mọi vấn đề xung đột trên Biển Đông. Điều đó sẽ góp phần đảm bảo an ninh chung khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Dù cơ hội bên ngoài mang lại như thế nào nhưng nếu chủ quan chúng ta không có sự chuẩn bị và nội lực không mạnh thì cũng không thể tận dụng được. Vì thế, muốn giành cơ hội này, Việt Nam phải điều chỉnh, cải cách mạnh mẽ về chính trị và kinh tế.

Thứ nhất, mấu chốt cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay là có một tư duy rõ ràng rành mạch hơn về các xu hướng của thế giới. Giới tinh hoa cần nhạy bén để sớm nhận ra thời cơ của thời đại mới để dẫn dắt dân tộc đi đúng hướng, trong đó sớm định hướng mới về chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng, chiến lược ngoại giao, theo đó điều chỉnh các chính sách kinh tế, xã hội theo kịp với biến động mới toàn cầu. Chú trọng phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời giới lãnh đạo và cả hệ thống chính trị cần có động lực mới, quyết tâm làm giàu cho đất nước.

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2

Các cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2018 là yếu tố quan trọng trong quan hệ hai nước để hướng tới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc

Thứ hai, cần tiếp tục công cuộc cải cách hành chính và luật pháp hiệu quả. Một nền luật pháp hoàn chỉnh đi cùng với pháp chế sẽ thực sự mở đường cho phát triển đất nước với tốc độ cao và bền vững. Sự cải cách tư duy trong quản lý, trong điều hành và quản trị của các cơ quan Đảng, Chính phủ là một vấn đề cấp bách hiện nay, chẳng những tiết kiệm được nguồn nhân lực cho đất nước mà nó còn góp phần tích cực và hiệu quả chống tham nhũng, chống sách nhiễu vặt đối với các doanh nghiệp và hoạt động của công dân.

Thứ ba, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Cần đầu tư xây dựng những tập đoàn lớn trong công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thì mới đủ sức tiếp thu nguồn lực và công nghệ bên ngoài. Hiện tại, chúng ta đã và đang có những tập đoàn như vậy. Đây là điều đáng mừng cho đất nước. Chúng ta cần thúc đẩy những doanh nghiệp này và tạo điều kiện hình thành những doanh nghiệp tương tự. Làm được điều này cần nhiều yếu tố, trong đó cốt yếu vẫn là chính sách, đặc biệt là chính sách thuế phù hợp, chính sách sử dụng tài nguyên và đào tạo nhân tài. Thứ tư, dân tộc ta, nhân dân ta luôn khao khát đất nước giàu mạnh. Nếu phát huy được khát vọng này của nhân dân vào công cuộc xây dựng đất nước thì tiềm năng phát triển của đất nước sẽ được nhân lên gấp bội. Hiện nay, người dân được tự do làm giàu nhưng trong nhiều lĩnh vực đang phát triển một cách tự phát, dẫn tới nhiều hành vi trái pháp luật và ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, văn hoá dân tộc. Chính vì thế, thúc đẩy khát vọng của nhân dân phải đi cùng với giáo dục để điều chỉnh theo hướng đúng. Làm giàu phải đi kèm trách nhiệm chung với cộng đồng, tăng cường kỷ cương, trật tự xã hội, phát triển nền an ninh nhân dân.

Thách thức từ trật tự thế giới mới đang rất lớn nhưng thời cơ cũng không hề nhỏ. Các nước trong khu vực và trên thế giới đều đang thay đổi mạnh mẽ. Việt Nam hơn bao giờ hết cần có những hành động nhanh và mạnh nhằm tạo ra bước chuyển lớn cho đất nước trên sân chơi toàn cầu. Tin rằng năm 2019 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và có nhiều thành quả to lớn./

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2 Việt Nam trước những biến động toàn cầu năm 2019

Khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đã đưa Trump làm Tổng thống nước Mỹ. Khẩu hiệu này không mới, các đời Tổng thống Mỹ trước ...

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2 Kinh tế Việt Nam - dấu hiệu chạm ngưỡng và phép thử 2019

Không gian cải thiện ở Việt Nam đang đụng đến phần khó nhất: cơ chế khuyến khích ngược. Các vướng mắc liên quan đến khu ...

viet nam truoc nhung bien dong toan cau nam 2019 phan 2 Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 qua các con số

Kể từ 2008, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã lần đầu vượt 7%. Trong khi đó lạm phát chỉ ở mức 3,54%, thấp hơn ...