'Việt Nam cần cho phép cạnh tranh về công nghệ xử lý rác'

Nhiều tỉnh, thành luôn có từ 15-40 hồ sơ đăng ký đầu tư công nghệ xử lý rác khiến lãnh đạo địa phương lúng túng trong lựa chọn.

Nhiều khu xử lý rác thải ở các tỉnh, thành đang trở thành điểm nóng xã hội do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân địa phương khiếu kiện, thậm chí tập trung đông người chặn xe chở rác vào bãi.

VnExpress có cuộc trao đổi với ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề trên.

- Những công nghệ xử lý rác nào đang được áp dụng ở Việt Nam thưa ông?

- Có 3 giải pháp công nghệ xử lý rác thải đô thị (rác sinh hoạt), gồm chôn lấp hợp vệ sinh là công nghệ phổ biến ở Mỹ, ở Việt Nam được áp dụng nhiều nơi trong đó có TP HCM; đốt rác phát điện, phổ biến ở châu Âu và Hà Nội đã áp dụng vào bãi rác Lam Sơn.

Thứ ba là công nghệ tái tạo điện sạch và các bon hữu cơ từ chất thải rắn bằng phương pháp nhiệt phân, khí hóa. Đây là công nghệ mới của Việt Nam đã được đo kiểm, liên bộ Khoa học Công nghệ và Tài nguyên Môi trường công nhận. Tuy nhiên công nghệ này hiện mới chỉ có một nhà máy đang trong giai đoạn hoàn thành và cần phải kiểm chứng thực tế.

viet nam can cho phep canh tranh ve cong nghe xu ly rac

Nguyên thứ trưởng Đặng Huy Đông. Ảnh: Gia Chính

- Như vậy hai công nghệ chôn lấp và đốt rác phát điện hiện phổ biến ở Việt Nam. Ông nhận xét như thế nào về việc áp dụng các công nghệ này?

- Về phương pháp chôn lấp rác, đa phần rác được tập kết về các khu xử lý và chôn lấp xuống đất, dùng các lớp bảo vệ để ngăn thấm. Tuy nhiên, tôi từng đi thực tế và nhận được chia sẻ của một chủ đầu tư nhà máy ở Nha Trang rằng họ rất lo lắng mỗi khi mưa về vì nước rỉ rác sẽ theo nước mưa tràn ra ngoài, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến dân cư. Chuyện này không chỉ ở Nha Trang mà nhìn chung các nhà máy chôn lấp rác khác đều thế.

Chúng ta không phân loại rác đầu nguồn dẫn đến các loại nhựa khi chôn xuống thì mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Phương pháp này tốn diện tích song vẫn không tránh khỏi việc ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí.

Ngoài ra, phương pháp đốt rác đang được áp dụng ở nhiều địa phương trên cả nước. Ở châu Âu cũng có hơn 400 nhà máy đốt rác hoạt động. Đây bản chất là nhà máy điện than, song đốt rác còn nguy hại hơn đốt than vì than là nguyên tố đồng chất khi đốt sẽ thải ra những loại khí thải có thể kiểm soát. Còn ở nước ta, khi đốt rác trong đó có cả nhựa và nilon thì sẽ sản sinh ra hai loại khí độc hại là furan và dioxin (chất da cam).

- Ông đề xuất giải pháp nào cho tình trạng nêu trên?

- Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Việt Nam khó áp dụng thành công những công nghệ trên là do chúng ta không phân loại rác ngay từ đầu vào. Ở các nước, họ có 3 thậm chí là 5 thùng rác để người dân phân loại. Do đó, nhựa và nilon sẽ được lọc riêng để tái chế và họ chỉ chôn lấp hoặc đốt các loại rác còn lại. TP HCM vừa qua ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, theo tôi là một chủ trương tốt nhưng cần được thực hiện quyết liệt để đảm bảo tính khả thi.

Đó chính là giải pháp cơ bản cho công nghệ chôn lấp rác. Còn về đốt rác, hai loại chất furan và dioxin phát tán ra môi trường là khi đốt trên 500 độ C, khi đến 1.200 độ C hai loại khí này sẽ không còn nhưng với điều kiện khí phát ra ở đầu ống khói phải dưới 70 độ C. Còn nếu trên 70 độ C chỉ trong 5 giây thì hai chất này sẽ tổ hợp lại và tồn tại vĩnh cửu trong không khí.

Công nghệ để thực hiện quá trình trên phải hiện đại và đòi hỏi chi phí vận hành cao. Các nhà máy đốt rác ở nước ta lý giải là dùng senso để ngăn chặn và đo hai loại khí độc trên, nhưng theo tôi được biết thì điều này là không thể. Ở Việt Nam chỉ có hai máy đo giá cả triệu USD của Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là có thể đo được hai loại chất này.

Quá trình đo cũng phức tạp và phải mất khoảng một tháng để thực hiện, vậy nên nhiều nhà máy có thể lợi dụng để giảm giá thành xử lý rác, qua mặt cơ quan quản lý.

Trong hợp đồng xử lý rác với chính quyền địa phương, các nhà đầu tư luôn đưa vào nội dung là rác phải được phân loại ở đầu vào, khi địa phương không thực hiện được thì phải chấp nhận khí độc thải ra môi trường. Nếu chúng ta đóng cửa nhà máy rác sẽ vi phạm hợp đồng và đền bù rất lớn. Tôi cho rằng đây là kẽ hở để các nhà máy lợi dụng.

- Hện các địa phương đang lựa chọn chủ đầu tư cũng như công nghệ xử lý rác như thế nào?

- Tôi được biết các tỉnh luôn có từ 15-40 hồ sơ đăng ký đầu tư với các công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, việc này khiến các địa phương rất lúng túng vì không biết chọn loại công nghệ nào.

Các hội đồng thẩm định được lập ra để xét duyệt hồ sơ tuy nhiên lại thiếu tính thực tế. Công nghệ có thể rất hiện đại nhưng khi áp dụng vào Việt Nam thì không thành công.

Có quy định hiện hành mặc định công nghệ nước ngoài tốt hơn công nghệ trong nước và phải đắt hơn 20-30%, điều này là vô lý. Ở nhiều nơi rác xử lý không đúng quy chuẩn khiến ô nhiễm môi trường, nhưng có nhà đầu tư muốn thử nghiệm công nghệ mới lại không được vì địa phương đã ký hợp đồng trọn gói.

Ở nước ta cũng có nhiều đơn vị nghiên cứu về xử lý rác, nếu công nghệ trong nước mà tốt hơn thì tại sao chúng ta không sử dụng? Tuy nhiên, thực tế ký hợp đồng trọn gói như tôi nói ở trên khiến nhiều công ty khởi nghiệp khó khăn khi đến tỉnh nào cũng báo hết rác để xử lý. Đơn vị khởi nghiệp muốn lấy rác để thử nghiệm cũng không có.

Chúng ta không bàn về công nghệ mà cần bàn về chất lượng đầu ra thực tế sau quá trình xử lý rác. Trước nay vì đánh giá theo công nghệ nên mới có chuyện các nhà đầu tư chạy chứng nhận thẩm định ở bộ nọ, sở kia mà thực tế lại không làm được như mục tiêu ban đầu.

- Thời gian tới, Việt Nam nên tiếp cận công nghệ xử lý rác như thế nào?

- Theo tôi nên có một bộ quy chuẩn quốc gia về phương pháp xử lý rác do Bộ Tài nguyên Môi trường quản lý. Qua đó, cho phép các nhà đầu tư với các công nghệ khác nhau được tham gia cạnh tranh, với các hồ sơ chưa có nhà máy thì phải cho chạy thử trên nền rác thực tế của Việt Nam. Và cơ quan đến đo đếm phải làm theo tiêu chuẩn của Việt Nam chứ không theo tiêu chuẩn mà họ giới thiệu. Các thông số đo bằng máy sẽ không biết nói dối và giúp chúng ta chọn được nhà đầu tư thích hợp.

Công nghệ nào vượt qua tiêu chuẩn thì được chấp nhận, nếu có hai ba công nghệ đều vượt qua tiêu chuẩn thì xét đến hiệu quả kinh tế. Ai mang được nhiều sản phẩm mới, giá trị kinh tế cao hơn, điện lên lưới nhiều hơn, ai ít xả khí thải ra hơn thì đơn vị đó được chọn. Làm như vậy giúp chúng ta tránh được các hệ lụy trước đây, tránh được việc tiền mất tật mang. Chúng ta không thể trả tiền cho một dịch vụ mà không đạt theo yêu cầu.

Nếu làm được như vậy thì việc quản lý các nhà máy rác trên cả nước sẽ thuận lợi hơn và có thể quy trách nhiệm nếu để xảy ra vấn đề. Trong trường hợp có công nghệ mới thì chúng ta lại cho thử nghiệm và nếu đạt được hiệu quả tốt hơn công nghệ cũ thì sẽ cho thay thế. Điều này tạo được động lực cạnh tranh trong chính các doanh nghiệp xử lý rác vì anh có thể sẽ bị loại nếu để tụt hậu.

viet nam can cho phep canh tranh ve cong nghe xu ly rac

Công ty xử lý rác xả thải vượt chuẩn 10 lần bị phạt 232 triệu

Công ty cổ phần môi trường xanh Friendly xả thải ra môi trường gấp 10 lần quy chuẩn nên bị xử phạt 232 triệu đồng.

viet nam can cho phep canh tranh ve cong nghe xu ly rac

6 năm xử lý rác ở Cà Mau, nhà máy lỗ 133 tỷ

Sau 3 tháng ngưng hoạt động để bảo trì mà thiết bị chưa nhập về kịp, Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau xin ...

/ https://vnexpress.net