Vẽ hoa lên bốt điện: Nghệ thuật chết người

Bốt điện cũng như đèn giao thông, biển báo… sinh ra là để nhận biết, cảnh báo. Việc khoác lên chúng những chiếc áo hoa sắc màu chẳng khác nào biến nghệ thuật thành vũ khí giết người!

Năm 2017, hàng trăm cột điện ở Sài Gòn bỗng dưng… nở hoa. Người Sài Gòn cảm xúc đan xen. Kẻ bất ngờ, người ủng hộ, người lại kịch liệt phản đối. Dù dư luận đồng tình hay không, lắng nghe vẫn là điều cần thiết.

Những ngày cuối năm 2018, hàng loạt bốt điện ở Hà Nội được thay áo hoa rực rỡ đầy tươi mới. Và như một quy luật, có người khen, kẻ chê. Nhưng phần đa mọi người tỏ ý đồng tình.

Được biết, ý tưởng khoác “áo hoa” cho bốt điện là của một nhóm kiến trúc sư, họa sĩ thuộc Hanoi Art Space. Dự án mang tên “Sắc màu Hà Nội” đã được thực hiện thí điểm giai đoạn 1 vào hồi cuối năm 2017, trên 2 ngã tư phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo.

ve hoa len bot dien nghe thuat chet nguoi

Người dân, đặc biệt là giới trẻ có thêm địa điểm để selfie (Ảnh: Báo Văn hóa).

Được đánh giá là sáng kiến hay, dự án này được Ủy Ban nhân dân quận Hoàn Kiếm ủng hộ và đang tiến hành giai đoạn 2. Tổng số 70 bốt điện ở tuyến phố Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền sẽ được khoác áo hoa để chào đón năm mới 2019 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Nhóm họa sĩ Hanoi Art Space đang cùng nhau nỗ lực để các bốt điện có “áo” đẹp diện Tết.

Rõ ràng, trong rất nhiều những sáng kiến về không gian công cộng trong quy hoạch cảnh quan thì đây là ý tưởng tốt. Bởi Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự mất cân đối nghiêm trọng trong phát triển không gian đô thị. Giữa hàng trăm, hàng ngàn vật dụng góp phần làm đô thị thêm nhếch nhác thì việc thay đổi diện mạo của chúng mà vẫn quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ tất nhiên sẽ được đánh giá cao.

ve hoa len bot dien nghe thuat chet nguoi

Cảnh đẹp nhưng... cấm lại gần.

Thế nhưng...

Bốt điện không giống như các bức tường rêu cũ ở khu tập thể Phụ nữ Trung ương (39 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa) hay những vòm cầu phố Phùng Hưng.

Vì sao? Vì bốt điện (còn gọi là trạm biến áp) ra đời với vai trò giảm áp, phân phát điện đến từng hộ gia đình. Lâu nay, chúng vốn được ví như những quả "bom nổ chậm" trên vỉa hè, bởi nếu gặp sự cố như đoản mạch, chập mạch… rất có thể sẽ xảy ra nổ.

Điều 15 Nghị định số 14/2014/ NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện có nêu rõ: Đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện hợp bộ, có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại.

Thế nhưng, những bếp than đỏ lửa vẫn đặt cạnh bốt điện, chiếc khăn ướt phơi hay vài ba bộ quần áo phủ bụi vẫn treo phất phơ trên đó... Người dân hoàn toàn không hiểu, hoặc hiểu nhưng coi “miếng ăn” quan trọng hơn tất thảy. Kể cả cái chết!

Ai còn nhớ vụ nổ bốt điện kinh hoàng ở Hà Đông?

Vào một tháng cuối năm 2016, người dân bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn. Họ chạy ra, chiếc bốt điện ven đường nổ, cháy ngùn ngụt. Người đàn ông trên chiếc xe lăn cách bốt điện 1 mét như bị lửa nuốt trọn, người vợ như bó đuốc vẫn kêu mọi người cứu giúp chồng mình. Bằng tất cả sự nỗ lực, 2 vợ chồng người bán nước quanh bốt điện vẫn không thể ở lại trần gian.

Mới đây thôi, vụ nổ bốt điện trên đường Phạm Hùng cũng khiến 3 người phải nhập viện. Không có bất cứ một dấu hiệu nào để họ có thể kháng cự với những sự cố này.

Những bốt điện đầu tiên được hoàn thành. Quả thực, chúng đẹp, ấn tượng và rất có thiện cảm. Lòng người rộn ràng hơn khi thấy Tết về trên những cành mai, cành đào in trên bốt điện. Nhưng hoa đẹp, thì “ong bướm” hay sa vào.

Thay vì cảnh báo, yêu cầu tránh xa, cụm hoa kia vô tình kéo người dân đến gần hơn với tử thần. Những cảnh báo nguy hiểm trên bốt điện vẫn nằm đó, nhưng tôi tin rằng, những bông hoa đẹp có sức hút mãnh liệt hơn những ký hiệu nhỏ kia.

Hình ảnh những đứa trẻ thích thú đưa tay sờ hoa; những chàng trai, cô gái selfie một tấm hình kỷ niệm; cô bán nước, bác cắt tóc ngồi quanh bốt điện nhâm nhi ly trà nóng bàn chuyện thế thời ngày cuối năm… chưa chắc đã là hình ảnh đẹp. Bởi hoa lá đôi khi cũng… vô tình.

Tôi biết, nhiều người tâm tư, mong muốn góp sức mình để Thủ đô đẹp - hiện đại – mới mẻ và văn minh hơn. Nhưng mỹ quan phải đi liền với an toàn xã hội. Bốt điện cũng như đèn giao thông, biển báo… sinh ra là để nhận dạng, nhận biết. Việc “biến hình” với chúng sẽ lợi bất cập hại.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

ve hoa len bot dien nghe thuat chet nguoi Sau lời khuyên của Quốc Trung, Thanh Lam đã bớt \'điên\'

Cách đây không lâu, Quốc Trung khuyên Thanh Lam nên "hát vui vẻ thôi, đừng quằn quại quá". Live show lần này, diva tiết chế ...

ve hoa len bot dien nghe thuat chet nguoi BOT Điện Bàn miễn, giảm thu phí không ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn

Gần 2.000 xe thuộc thị xã Điện Bàn, cơ quan ban, ngành tỉnh Quảng Nam sẽ được miễn, giảm phí khi qua trạm thu phí ...

/ https://www.nguoiduatin.vn