Tước quyền tổng thống của Trump - kịch bản bất khả thi

Tu chính án 25 cho phép phó tổng thống Mỹ loại bỏ Trump, nhưng sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiến pháp nguy hiểm.

tuoc quyen tong thong cua trump kich ban bat kha thi
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó tổng thống Mike Pence. Ảnh: Reuters.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts Elizabeth Warren hôm qua tuyên bố các quan chức Nhà Trắng nên viện dẫn Tu chính án 25 trong hiến pháp Mỹ để truất quyền Tổng thống Donald Trump nếu họ tin rằng ông "không thể hoàn thành nhiệm vụ". Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng đề xuất của bà Warren là bất khả thi trong điều kiện thực tế hiện nay của nền chính trị Mỹ, theo Bloomberg.

Tuyên bố này được Warren đưa ra sau khi tờ NYTimes đăng bài xã luận của "một quan chức cấp cao giấu tên trong Nhà Trắng", cho biết người này đang cùng những quan chức chung chí hướng ngăn cản sự bốc đồng và "những khuynh hướng tồi tệ nhất" của Trump.

Tác giả bài xã luận này cho biết các cố vấn của Trump đã có những "lời xì xào đầu tiên" về việc loại bỏ Trump bằng Tu chính án 25, vốn quy định về tiến trình tuyên bố tổng thống không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ. Tuy nhiên, chính người này cũng thừa nhận rằng việc áp dụng điều khoản đó để vô hiệu hóa Trump có thể gây nên một cuộc "khủng hoảng hiến pháp".

Điều 4 Tu chính án 25 hiến pháp Mỹ quy định phó tổng thống với sự ủng hộ của đa số quan chức hành pháp cấp cao có thể nộp văn bản lên thượng viện và hạ viện tuyên bố rằng tổng thống không thể thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình. Khi đó, phó tổng thống sẽ lập tức trở thành quyền tổng thống.

Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp muốn loại bỏ Trump bằng Tu chính án 25, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là người duy nhất có thể đứng đơn nộp lên quốc hội Mỹ để xem xét về năng lực của Tổng thống. Trong khi đó, Pence đã ra tuyên bố khẳng định mình không phải là người viết bài xã luận trên NYTimes, đồng thời chỉ trích tác giả bài viết.

"Phó tổng thống luôn để tên thật của mình trong bất cứ bài xã luận nào mà ngài viết", Jarrod Agen, giám đốc truyền thông của Pence, tuyên bố trên Twitter, sau khi có tin đồn rằng Pence là người viết bài xã luận. "NYTimes nên cảm thấy xấu hổ, và người đã viết bài xã luận sai trái, phi logic, nhu nhược đó cũng nên thấy như vậy. Văn phòng chúng tôi không chứa những hành động nghiệp dư như thế", Agen viết thêm.

Ngay cả khi Pence nộp đơn lên quốc hội tuyên bố Trump không đủ năng lực lãnh đạo theo điều 4 Tu chính án 25, một cuộc khủng hoảng hiến pháp phức tạp và kéo dài có thể nổ ra ngay sau đó, do những quy định không rõ ràng trong điều khoản này.

Trong trường hợp Tu chính án 25 được áp dụng, Pence cũng chỉ là tổng thống tạm quyền, còn Trump vẫn là Tổng thống Mỹ nếu ông không tự nguyện từ chức. Tu chính án này không có điều khoản nào bắt buộc Trump phải rời khỏi Nhà Trắng sau đó, nên ông vẫn có thể tiếp tục làm việc ở đây, kể cả Phòng Bầu dục.

Kịch bản này có thể tạo ra hai chính quyền ở nước Mỹ và có thể gây nên rắc rối lớn nếu một nguyên thủ nước ngoài như Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Mỹ vào thời điểm đó và vẫn quyết định gặp Trump ở Nhà Trắng.

Khi cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa, Trump có thể hành động để phản công cũng bằng chính điều 4 Tu chính án 25, trong đó quy định tổng thống có thể gửi văn bản tới lãnh đạo thượng viện và hạ viện khẳng định mình vẫn đủ năng lực nắm quyền. Khi đó, Trump sẽ tiếp tục quyền lãnh đạo nước Mỹ của mình.

Trong vòng 4 ngày sau đó, phó tổng thống có thể tiếp tục nộp đơn lên quốc hội tái khẳng định tổng thống đã mất năng lực điều hành. Trong kịch bản này, nếu không vào thời gian họp thường kỳ, quốc hội Mỹ sẽ họp khẩn trong vòng 48 giờ để thảo luận vấn đề. Trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được đơn thứ hai của phó tổng thổng, quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu để định đoạt.

Chỉ khi 2/3 đại biểu ở cả hạ viện và thượng viện Mỹ nhất trí rằng tổng thống không đủ năng lực điều hành, phó tổng thống mới tiếp tục được làm quyền tổng thống. Nếu không, tổng thống vẫn tiếp tục nhiệm vụ và quyền lực của mình.

Theo bình luận viên Jonathan Bernstein, yêu cầu về số phiếu tối thiểu để loại bỏ tổng thống tại quốc hội theo Tu chính án 25 cao hơn rất nhiều so với tiến trình luận tội, dù kết quả là như nhau. Trong tiến trình luận tội, chỉ cần đa số đại biểu ở hạ viện và 2/3 thượng nghị sĩ ở thượng viện nhất trí với đề nghị luận tội, tổng thống Mỹ sẽ bị phế truất.

Trong trường hợp Pence nhận được sự ủng hộ của 2/3 đại biểu ở cả hạ viện và thượng viện để loại bỏ Trump theo Tu chính án 25, cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt.

Brian Kalt, giáo sư luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Michigan, cho biết vì điều 4 Tu chính án 25 không giới hạn số lần tổng thống nộp đơn khiếu nại lên quốc hội, nên về lý thuyết, Trump vẫn có thể hết lần này đến lần khác nộp đơn lên quốc hội để tuyên bố mình có đủ năng lực lãnh đạo.

Theo kịch bản này, trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Trump có thể buộc quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu mỗi tháng một lần, trong khi ông vẫn là ông chủ Nhà Trắng với cương vị Tổng thống Mỹ. Tồi tệ hơn, nhiều khả năng sẽ có một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Tổng thống và quyền Tổng thống, đẩy nước Mỹ vào tình trạng rối ren thực sự.

Bởi vậy, bình luận viên Bernstein cho rằng việc viện dẫn Tu chính án 25 để loại bỏ một tổng thống có đủ điều kiện sức khỏe và tinh thần để "phản công" là không phù hợp và không phải mục đích mà những người soạn ra điều khoản này của hiến pháp Mỹ nhắm đến. "Việc thảo luận về khả năng áp dụng Tu chính án 25 để đối phó Trump trong hoàn cảnh này là sai lầm và nguy hiểm", Bernstein nhận định.

tuoc quyen tong thong cua trump kich ban bat kha thi Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất tước quyền Tổng thống Trump

Nghị sĩ cấp cao đảng Dân chủ cho rằng giới chức Mỹ có thể viện dẫn điều khoản hiến pháp để cách chức Trump nếu ...

tuoc quyen tong thong cua trump kich ban bat kha thi Cuộc chiến chống lại Trump qua tiết lộ của quan chức Nhà Trắng

Quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ đang cùng những người chung chí hướng ngăn cản sự bốc đồng và "những khuynh hướng tồi tệ ...

/ VnExpress