Thêm phương án xử lý tài sản bất minh: Nhiều băn khoăn

Nếu cán bộ kê khai tài sản không trung thực thì tiến hành tố tụng dân sự, vậy ai sẽ là người đưa ra tòa án, ai là cơ quan khởi kiện?

Không nên bằng con đường tố tụng dân sự

Mới đây, tại phiên họp thứ 26, cho ý kiến lần thứ 2 về dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp cho biết, ngoài thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính, bổ sung thêm phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước với tài sản.

Cụ thể, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó) thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết: "Thực ra, giải quyết vấn đề thu nhập mà kê khai không đúng hoặc không chứng minh được đang có 2 hướng.

Phương án 1 là giải quyết bằng con đường hành chính, đánh thuế tài sản, nhưng nếu như vậy là đồng tình với việc tài sản đó minh bạch. Điểm khó là cũng không thể chứng minh kết luận tài sản đó là tham nhũng vì không đủ căn cứ, còn để không thì không ổn, trong khi nếu là tham nhũng thì phải tịch thu. Phương án trên nếu làm thì nhanh, gọn.

them phuong an xu ly tai san bat minh nhieu ban khoan

Thêm phương án xử lý cán bộ kê khai tài sản không trung thực

Phương án 2 là đưa ra tố tụng dân sự, nhưng nguyên tắc tố tụng thì phải có nguyên đơn, bị đơn. Vậy thì ai sẽ là nguyên đơn trong trường hợp này, vì người đi kiện thì phải mất tiền án phí, chứng minh bằng các chứng cứ.

Cơ quan chống tham nhũng thông báo cho một cán bộ nào đó, tài sản kê khai không đúng 100 tỷ đồng, bên cán bộ khẳng định không phải 100 tỷ đồng chỉ có 5-10 tỷ đồng, còn đâu hợp pháp hết. Khi có tranh luận như vậy thì ai sẽ là người khởi kiện?

Chả lẽ trường hợp này thì nhà nước đứng ra khởi kiện cũng không đúng, còn cá nhân đứng ra khởi kiện thì chưa có nền tảng gì để làm".

Theo ông Hùng, nếu xử lý theo phương án đánh thuế thì cơ quan chống tham nhũng sẽ ra thông báo yêu cầu phải nộp thuế cho nhà nước 45% của 100 tỷ đồng trên khối tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Khi đó người dân bị xử về việc đó không đồng ý, có thể khởi kiện để xem xét lại tính hợp pháp của thông báo, bằng một vụ án hành chính, thì khi đó tòa án sẽ xem tính hợp pháp của quyết định đó.

Còn đưa ra tố tụng dân sự thì phải có nguyên đơn, bị đơn, vì dân sự là bình đẳng, các bên có quyền cung cấp chứng cứ, khởi kiện, định đoạt mọi thứ.

"Cho nên, tôi thấy phương án tố tụng dân sự rất không ổn, chả lẽ nhà nước lại đi kiện, làm nguyên đơn? Hãy đi bằng con đường nhà nước kiểm tra thấy không chứng minh được một khoản tiền nào đó thì thông báo trước mắt phải nộp khoản thuế thu nhập 45%.

Còn người điều chỉnh bởi thông báo đó không đồng tình thì có quyền khiếu nại quyết định đó của cơ quan chống tham nhũng. Khi đó, cơ quan chống tham nhũng xem lại nếu thấy việc khiếu kiện đúng thì sửa đổi, thay đổi, điều chỉnh, còn nếu không thì không chấp nhận khiếu nại.

Lúc ấy người dân, người bị điều chỉnh bởi quyết định đó có quyền khởi kiện bằng vụ án hành chính, khi đó, Tòa án sẽ xem xét đến nội dung, việc thẩm tra, thẩm định có đúng hay không, rồi xử lý sau.

Nhưng ở đây vẫn xử lý qua Tòa án nhưng bằng trình tự tố tụng hành chính chứ không phải tố tụng dân sự", ông Hùng nói thêm.

Bản thân ông Hùng cho rằng, điểm mấu chốt hiện nay đang mắc phải là xác định đâu là tài sản không rõ nguồn gốc chứ không phải khâu xử lý.

"Nhưng tôi cho là không khó, vì ví dụ lúc anh nhận chức chủ tịch huyện, kê khai có một cái nhà, kết thúc nhiệm kỳ có 10 cái nhà thì phải kê khai 9 cái nhà nguồn thu nhập từ đâu.

Không chứng minh được 9 cái nhà đó thu nhập ra sao, thì phải bắt nộp thuế 45% cho giá trị 9 ngôi nhà. Còn phát hiện tham nhũng thì khởi tố hình sự, tịch thu luôn 9 ngôi nhà, khi đó Tòa án sẽ khấu trừ khoản tiền đã nộp thuế, tức 55%.

Nhưng hiện nay, kê khai tài sản phải thực chất hơn, phải có biện pháp để xử lý trường hợp không đứng tên tài sản, giao cho cháu, con, người thân, cho bồ thì phải có chế tài xử lý.

Từ trước tới nay chúng ta mới chỉ xử lý hành vi kê khai không trung thực, người bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật Đảng với những hình thức khác nhau, thậm chí trên thực tiễn có những người đã bị mất chức.

Nhưng đối với phần tài sản chúng ta chưa có quy định để xử lý. Tức Luật phòng chống tham nhũng cần có sự sửa đổi sao để quản lý chặt chẽ và xử lý theo hướng tố tụng hành chính thay vì tố tụng dân sự", ông Hùng nhận định.

them phuong an xu ly tai san bat minh nhieu ban khoan Chưa thống nhất phương án xử lý tài sản bất minh: Lạ!

Đã quyết tâm chống tham nhũng thì phải xử lý nghiêm khắc để lập lại trật tự, khiến người ta không dám vi phạm.

them phuong an xu ly tai san bat minh nhieu ban khoan Căn cứ nào đánh thuế 45% tài sản bất minh?

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải thích cụ thể cách lựa chọn mức thuế 45% đối với tài sản không rõ nguồn ...

/ http://baodatviet.vn