Thái độ lao động

Tự biết mình rất vụng về, tôi thường phải dùng dịch vụ sửa chữa vặt trong nhà từ một công ty khá chuyên nghiệp. Sáng hôm rồi, anh thợ quen lại đến lắp chiếc máy lọc nước. Miệng nói chuyện vui, tay anh làm thoăn thoắt. Chỉ trong buổi sáng, cái máy đã chạy ro ro. 

Nhận tiền công, anh chàng vui vẻ ra về. Còn tôi, như mọi lần trong suốt vài năm qua, lại lụi hụi đi thu dọn bãi chiến trường anh để lại. Nước và thuốc thử nhỏ giọt trên nền bếp, bụi xi măng tung tóe trên sàn nhà, các đoạn dây điện, băng keo vương vãi từ bệ bếp, bồn rửa đến cửa phòng.

Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến ông thày bên Mỹ. Ông luôn dành tình yêu đặc biệt cho Việt Nam và luôn ưu tiên du học sinh Việt làm những công việc vặt trong khuôn viên của trường đại học ông dạy. Không chỉ giúp các em có thêm thu nhập, khoảng 12 USD mỗi giờ, mà còn làm hồ sơ của các em đẹp hơn khi ra trường, kiếm việc làm. Một lần, tôi tình cờ đến văn phòng ông đang lúc tốp thợ Mexico dọn dẹp sau khi sửa chữa. “Ô, sao Thầy không dùng thợ Việt?” – tôi hỏi. Trả lời câu hỏi của tôi, ông cười bí hiểm: “Tao không gọi, rồi mày sẽ thấy”.

Chỉ căn phòng sạch sẽ, gọn gàng sau khi tốp thợ ra về, Thầy nói: “Đó là sự khác biệt. Thợ Việt chỉ làm phần được trả tiền, còn lại tao phải tự dọn”.

Không chỉ là trải nghiệm cá nhân của người thầy Mỹ, hay bản thân tôi, mà quả thực, thái độ làm việc luôn là điều nhiều người than phiền mỗi khi nhắc tới lao động Việt. Không chỉ ở trong nước mà ở hàng chục quốc gia nơi tôi đã từng đến. Và chắc chắn, nó là rào cản lớn tiến đến thịnh vượng cả trong quá khứ, hiện tại, và tương lai đất nước.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cảnh báo về khả năng máy móc cướp đi công việc của con người. Thay vì lo lắng, tại sao chúng ta không đặt câu hỏi theo chiều ngược lại. Rằng làm thế nào để công việc của mỗi chúng ta không thể bị cướp bởi robot? Tôi chắc rằng, thái độ làm việc là vế đầu tiên trong câu trả lời phức hợp này.

Mỗi nhà quản lý có thể đưa ra các tiêu chí khác nhau khi đánh giá nhân viên của mình và chính bản thân họ, tùy thuộc vị trí công việc, đặc thù của công ty, môi trường cạnh tranh hay các yếu tố văn hóa của từng quốc gia. Song có một công thức luôn được coi như nền tảng để đánh giá nhân viên: ASK. Đó là Attitude - thái độ làm việc, Skill - kỹ năng, và Knowledge - kiến thức. Bạn có thể học kiến thức từ trường lớp, internet, sách, người khác... Kỹ năng được trau dồi qua thực tế công việc, theo kiểu “Trăm hay không bằng tay quen”.

Hai yếu tố kiến thức và kỹ năng có thể hấp thụ từ bên ngoài, nhưng thái độ chỉ có thể cải thiện bởi sự lựa chọn từ bên trong của chính từng người. Đó cũng là yếu tố mang lại sự khác biệt của bạn trong đám đông, một sự khác biệt hoàn toàn so với các cỗ máy vô hồn trong thời đại 4.0.

Diễn đàn kinh tế Thế giới mới đây dự báo 10 yêu cầu quan trọng nhất với người lao động trong 10 năm tới, các yếu tố về thái độ làm việc ngày càng chiếm vai trò quan trọng và chiếm tới 3 tiêu chí. Trong đó, trí thông minh cảm xúc (emotional itelligence) và định hướng phục vụ (service orientation) là hai tiêu chí xếp hàng đầu.

Sẽ là không tưởng nếu yêu cầu lao động Việt có thể hấp thụ kiến thức mới, kỹ năng mới ngay lập tức, vì nó đòi hỏi môi trường, thời gian và tùy thuộc khả năng dung nạp của từng cá thể. Nhưng chắc chắn sự thay đổi về thái độ lao động là hoàn toàn có thể vì nó do chính mỗi chúng ta tự quyết định, chỉ cần nỗ lực nội tại từ bản thân. Chỉ cần ý thức giữ vệ sinh khi làm việc, vài phút dọn dẹp khi hoàn thành để khi mình đi căn phòng giống như khi mình chưa đến; thầy tôi và cá nhân tôi sẽ cho điểm cao với những người thợ Việt.

Báo Japan Today, trong số ra đầu tháng Năm này đưa một bản tin thú vị về cuộc đình công của nhân viên lái xe bus hãng Ryobi Group (Nhật Bản). Để phản đối sự lãnh đạm của Ban Điều hành trong việc bảo vệ công ăn việc làm, sau nhiều lần gửi khuyến nghị mà không được hồi âm, họ đã đình công theo một cách riêng. Họ vẫn đi làm, nhưng phục vụ miễn phí, không thu tiền hành khách. Trong rất nhiều sự lựa chọn, họ đã chọn cách vẫn đảm bảo sự phục vụ khách hàng. Sự phản kháng khác biệt của họ đã được công luận lên tiếng, ủng hộ, và ngưỡng mộ. Nó giúp bảo vệ “khí chất” Nhật Bản, nơi mà trình độ phục vụ được đẩy tới đỉnh cao trong mọi hoạt động, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người.

Nhật Bản đã là một trong những quốc gia sử dụng robot sớm nhất, nằm trong top 3 đất nước được robot hóa, nhưng vấn đề robot cướp việc của người lao động mà thế giới đang lo ngại chưa từng đe dọa xứ sở này. Tinh thần phục vụ, thái độ làm việc của người Nhật là một giá trị kinh điển mang lại sự hài hòa trong thịnh vượng cho đất nước.

Và tôi tin rằng, rủi ro mất việc sẽ đến với những ai chỉ làm duy nhất “phần việc được trả tiền”.

thai do lao dong Vật vã mưu sinh dưới cái nắng như đổ lửa của Hà Nội

Hơn một tuần trở lại đây, trời Hà Nội như đổ lửa nhưng nhiều người lao động phổ thông vẫn phải căng mình làm việc ...

thai do lao dong Người lao động VPI đồng tâm tái cấu trúc

Công đoàn cơ sở Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đang tập trung xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, người lao động (NLĐ) ...

thai do lao dong Cải cách tiền lương: “Phần cứng” 70% là hợp lý!

Đây là quan điểm của ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội khi trao đổi với ...

Ngô Trọng Thanh

/ VnExpress