Thách thức ông Tập cần giải quyết trong cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các vấn đề y tế, tài chính trong nước có thể được bàn thảo tại Bắc Đới Hà. 

thach thuc ong tap can giai quyet trong cuoc hop kin o bac doi ha

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: Reuters.

Giống như Mật nghị hồng y - cuộc họp của Hồng y đoàn để bầu ra Giáo hoàng, cuộc họp mùa hè hàng năm của giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc luôn được diễn ra trong bí mật. Các lãnh đạo đương nhiệm, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, được cho là phải đối mặt với các "bô lão" đã nghỉ hưu tại Bắc Đới Hà để nghe quan điểm của họ về tình trạng của đất nước.

Trong khi đầu mối duy nhất để biết các Hồng y đã chọn được tân Giáo hoàng hay chưa là làn khói đen hoặc trắng từ ống khói nhà nguyện Sistine (khói đen nghĩa là vẫn chưa thống nhất được ý kiến, khói trắng nghĩa là đã chọn được), những manh mối duy nhất để các nhà quan sát biết về hội nghị Bắc Đới Hà là những mẩu tin xuất hiện trên truyền thông nhà nước.

Năm nay, các "ống khói" của Bắc Đới Hà đã nhả nhiều khói hơn bình thường. Hồi đầu tuần, trang web của quốc hội Trung Quốc đưa tin rằng Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư đến thăm một cơ sở ở Bắc Đới Hà.

Theo Xinhua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiếp một quan chức nước ngoài tại Bắc Đới Hà ngày 3/8. Xinhua cũng đưa tin rằng các ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Trần Hi và Hồ Xuân Hoa đã ở đây tuần trước.

Tất cả những điều này là tín hiệu gợi ý rằng cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay diễn ra lâu hơn bình thường. Một số người đồn đoán rằng ông Tập có thể phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề về cách ông xử lý cuộc chiến thương mại với Mỹ và các biện pháp củng cố quyền lực chưa có tiền lệ. "Với quyền lực tập trung trong tay, ông Tập chịu trách nhiệm cho tất cả thất bại trong chính sách", Joseph Cheng, giáo sư Đại học Hong Kong, nói.

Câu chuyện xưa

Cuộc "kéo co" quyền lực tại Bắc Đới Hà khiến cây bút Katsuji Nakazawa của Nikkei nghĩ về một cuộc trò chuyện xảy ra cách đây 4 thập niên. Tháng trước, tại sự kiện kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên Chu Ân Lai, thư ký cuối cùng của ông Chu đã tiết lộ một chuyện xảy ra tại khu Trung Nam Hải của Bắc Kinh - nơi sống và làm việc của nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc - vào năm 1974, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Cách mạng Văn Hóa năm 1966 - 1976 được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch đảng Cộng sản Mao Trạch Đông với mục tiêu "làm trong sạch nội bộ đảng" và thanh lọc "các tổ chức văn hóa đại diện cho giai cấp tư sản". Nhiều cuộc thanh trừng và bạo lực diễn ra, chính quyền Trung Quốc cho biết hơn 1.720.000 người đã chết vì sự kiện này. Những người chịu trách nhiệm tiến hành cuộc cách mạng, trong đó có vợ của ông Mao Trạch Đông, đã bị tuyên án.

thach thuc ong tap can giai quyet trong cuoc hop kin o bac doi ha

Thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh năm 1974. Ảnh: AFP.

Một buổi tối năm 1974, Cảnh Biểu, trưởng Ban Liên lạc Quốc tế của đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách công tác ngoại giao của đảng, đến văn phòng của Chu Ân Lai. Ông Cảnh đang cảm thấy kiệt sức trước những động thái gay gắt từ thân tín của ông Mao Trạch Đông, phần lớn vì những sáng kiến chính sách đối ngoại mà ông áp dụng giữa cơn bão của Cách mạng Văn hóa.

Ông Cảnh nói với ông Chu: "Tôi muốn từ chức".

Ông Chu cười và đáp lại: "Tôi muốn nói với anh ba điều. Nếu ai đó cố gắng dìm anh xuống, anh không bao giờ được gục ngã. Nếu ai đó cố gắng đẩy anh ra ngoài, anh không bao giờ được rời đi. Và nếu ai đó cố gắng đè bẹp anh, anh không bao giờ để bị nghiền nát". "Bị nghiền nát" ở đây ám chỉ tự tử. Trong Cách mạng Văn hóa, nhiều chính trị gia đã chọn cái chết sau khi bị sỉ nhục và ngày càng bi quan về tương lai.

Ngay cả trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc đã có những bước đi vững chắc để mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản. Ông Chu và Thủ tướng Nhật khi đó Kakuei Tanaka đã ký tuyên bố bình thường hóa quan hệ Trung - Nhật vào năm 1972.

"Nguyên tắc sinh tồn" của ông Chu đã chứng minh được sự hiệu quả, ông giữ chức thủ tướng cho đến khi qua đời vào năm 1976. Ông Mao Trạch Đông qua đời 8 tháng sau ông Chu. Cách mạng Văn hóa được đặt dấu chấm hết.

Cảnh Biểu cũng vượt qua được cơn bão của Cách mạng Văn hóa. Ông giữ các chức phó thủ tướng, bí thư quân ủy trung ương và bộ trưởng quốc phòng. Khi ông Cảnh giữ chức bí thư quân ủy trung ương, ông bắt đầu phát triển mối quan hệ cá nhân với chàng trai trẻ Tập Cận Bình. Sau khi ông Tập tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa năm 1979, ông trở thành thư ký của ông Cảnh.

thach thuc ong tap can giai quyet trong cuoc hop kin o bac doi ha

Cảnh Biểu vào năm 1980. Ảnh: Wiki.

Người cha quá cố của ông Tập, Tập Trọng Huân, từng là phó thủ tướng. Giống như ông Cảnh, Tập Trọng Huân cũng từng bị nhắm mục tiêu thanh trừng trong thời Cách mạng Văn hóa. Cha của ông Tập đã trở lại chính trường sau thời kỳ hỗn loạn và tin tưởng để ông Cảnh làm người dẫn dắt con trai mình.

Trung Quốc giờ không còn rơi vào tình cảnh khủng hoảng chính trị như thời ông Chu đưa ra ba lời khuyên cho ông Cảnh. Tuy nhiên, theo Nakazawa, một số người đã gọi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập là "cách mạng văn hóa nhỏ". Họ cho rằng nó gợi nhớ đến Cách mạng Văn hóa mà ông Mao khởi xướng như một phần nỗ lực để siết chặt quyền lực. Nhiều quan chức đã ngã ngựa trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.

Tập Cận Bình đã chiến đấu chống nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội. Cách suy nghĩ của ông có sự tương đồng với nguyên tắc không bao giờ cúi đầu trước áp lực và không bao giờ rút lui mà ông Chu đưa ra.

Tuy nhiên, Nakazawa cho rằng ông Tập cũng "đi ngược lại với nguyên tắc của ông Chu bằng \'cuộc cách mạng văn hóa nhỏ\' cũng như sự sùng bái cá nhân mà ông cho phép hình thành xung quanh mình". Hồi tháng ba, Trung Quốc đã sửa hiến pháp, loại bỏ điều khoản giới hạn chủ tịch Trung Quốc được giữ chức trong hai nhiệm kỳ 5 năm. Thay đổi này có thể giúp ông Tập giữ chức chủ tịch nước đến hết đời.

Thách thức

Ông Tập đang đối mặt với một loạt thách thức trong và ngoài nước. Mối quan tâm lớn nhất đối với nhiều người Trung Quốc là cuộc chiến thương mại với Mỹ, khiến Washington dọa áp thuế cao với hàng trăm tỷ USD xuất khẩu của nước này. Các nhà phê bình nói rằng họ vẫn chưa thấy một chiến lược chặt chẽ từ Bắc Kinh để đàm phán với Washington và tránh một đòn giáng lớn vào nền kinh tế. Thay vào đó, Bắc Kinh đang lựa chọn các biện pháp trả đũa và thách thức.

Thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ đang suy yếu. Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận tại một cuộc họp hồi tháng trước rằng các yếu tố bên ngoài đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, bê bối vắcxin không đạt chuẩn bùng lên, gây lo ngại về chất lượng ngành y tế và khả năng quản lý ngành này của chính quyền. Tuần trước, Trung Quốc đã huy động lực lượng an ninh lớn để giải tán cuộc biểu tình ở Bắc Kinh về sự sụp đổ đột ngột của hàng trăm trang mạng cho vay ngang hàng Điều này cho thấy chính phủ chưa thể cải cách được hệ thống tài chính để phục vụ cho các nhà đầu tư nhỏ.

"Lòng tin là điều quan trọng nhất và lòng tin của công chúng vào chính phủ có thể bị lung lay", Zhang Ming, giáo sư khoa học chính trị về hưu ở Bắc Kinh, đánh giá.

Trong khi đó, nhiều nước ngày càng e dè về ảnh hưởng của Trung Quốc và cái giá họ phải trả cho Vành đai và Con đường - sáng kiến do ông Tập khởi xướng trị giá hàng nghìn tỷ USD để xây dựng các liên kết đầu tư và cơ sở hạ tầng với 65 quốc gia. Một số người Trung Quốc đặt câu hỏi về việc gửi các khoản tiền khổng lồ ra nước ngoài vào thời điểm hàng triệu người Trung Quốc vẫn nghèo đói.

Điều này càng làm tăng thêm lo ngại về việc ông Tập từ bỏ cách đối ngoại thận trọng và thực dụng "náu mình chờ thời" được áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư cải cách kinh tế của Trung Quốc.

Theo AP, các lãnh đạo Trung Quốc có thể thảo luận một số thách thức nói trên tại Bắc Đới Hà. Steve Tsang, giám đốc viện Trung Quốc tại trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi của London cho rằng chính sách phô diễn sức mạnh của ông Tập "không được lòng nhiều người trong đảng".

thach thuc ong tap can giai quyet trong cuoc hop kin o bac doi ha Bắc Đới Hà - kỳ nghỉ hè ven biển chi phối chính trường Trung Quốc

Dù vai trò và quy mô của hội nghị thường niên không chính thức tại Bắc Đới Hà đã thay đổi theo những thời lãnh ...

thach thuc ong tap can giai quyet trong cuoc hop kin o bac doi ha Vai trò của các cựu lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà

Các chính sách của ông Tập có thể bị cựu lãnh đạo mổ xẻ và yêu cầu thay đổi khi Trung Quốc đang trong căng ...

thach thuc ong tap can giai quyet trong cuoc hop kin o bac doi ha Lãnh đạo Trung Quốc có thể đang họp bí mật tại Bắc Đới Hà

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường không xuất hiện trên bản tin thời sự Trung Quốc những ngày qua ...

/ https://vnexpress.net