Mỹ-EU và Trung Quốc: Hai liên thủ đấu một

Kể từ khá nhiều năm nay chưa thấy khi nào Trung Quốc ở trong tình thế khó khăn và phức tạp về đối ngoại và kinh tế đối ngoại như hiện tại. Chính Trung Quốc cũng phải công nhận thực trạng này.

my eu va trung quoc hai lien thu dau mot

Khó khăn và phức tạp đối với Trung Quốc hiện hữu trên nhiều lĩnh vực và về nhiều phương diện khác nhau. Nhưng có lẽ điển hình và đặc trưng nhất cho tình thế ấy của Trung Quốc là việc hiện phải đồng thời đối phó với cả Mỹ và EU.

Biểu hiện ra bên ngoài, cả mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc lẫn giữa EU với Trung Quốc đều không hẳn quá căng thẳng và trắc trở. Các khuôn khổ tiếp xúc và cơ chế đối thoại song phương liên quan vẫn được duy trì. Mọi phát biểu công khai của bên này về bên kia đều vẫn pha trộn giữa găng và dịu, giữa đối phó và tranh thủ. Nhưng trong thực chất thì cả hai cặp quan hệ song phương này hiện đã trở nên khác biệt cơ bản so với thời gian trước đây khi Mỹ và EU không còn dấu diếm mà đã công khai cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Cạnh tranh chiến lược ở đây có nghĩa Mỹ và EU không còn coi Trung Quốc là đối tác chiến lược để hợp tác nữa mà nhìn nhận Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh phải đối phó để không bị bất lợi, tức là chuyển từ hợp tác cùng có lợi sang đối phó để hạn chế và loại trừ thiệt hại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng việc kích hoạt cuộc xung khắc thương mại để khởi động cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. EU đã đưa ra cả chiến lược mới với 10 định hướng hành động cụ thể để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giữa Mỹ và EU tuy hiện cũng không được "cơm ngon, canh ngọt" nhưng lại gần như thật sự cùng hội cùng thuyền trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Giữa Mỹ và EU vẫn có sự khác biệt nhất định về mức độ và hình thức ngăn cản các công ty của Trung Quốc xâm nhập, chinh phục và chi phối thị trường của Mỹ và EU thông qua thương mại và đầu tư nhưng về bản chất lại không khác gì nhau ở lo xa cũng như ngại gần là Trung Quốc dùng đầu tư vào nền kinh tế để chi phối và kiểm soát nền kinh tế, dùng tăng cường xuất khẩu để chinh phục rồi lũng đoạn thị trường Mỹ và EU, là Trung Quốc tận dụng và lợi dụng quan hệ hợp tác kinh tế với Mỹ và EU để vươn lên giành vị trí hàng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao, tức là vượt Mỹ và EU, ngay trong nửa đầu của thế kỷ 21. Mỹ và EU đâu có khác biệt gì nhau trong yêu cầu đòi hỏi Trung Quốc phải mở cửa thị trường Trung Quốc hơn nữa cho giới kinh tế của Mỹ và EU, phải giảm mạnh mẽ và rõ rệt hơn nữa những hạn chế và rào cản đối với đầu tư của Mỹ và EU vào thị trường Trung Quốc, hay phải thực thi nghiêm chỉnh những quy định về bảo hộ quyền sở hữu phát minh, sáng chế, bí quyết công nghệ và sở hữu trí tuệ công nghiệp.....

Sách lược ứng phó của Trung Quốc là lấy nhu chế cương, phân hoá EU với Mỹ để hai đối tác này không liên thủ và liên minh theo kiểu "song kiếm hợp bích"đấu Trung Quốc, tìm mọi cách không để đối đầu nhau gia tăng để câu giờ nhằm có thêm thời gian cho việc tăng cường thực lực, bài binh bố trận thích hợp và đối phó hiệu quả nhất, vô hiệu hoá những lập luận và lý do của phía Mỹ và EU biện minh cho những biện pháp chính sách bất lợi cho Trung Quốc. Sách lược ứng phó của Trung Quốc còn là tranh thủ và tập hợp các nước khác ở các khu vực khác trên thế giới để tạo đối trọng về chính trị, có thêm thị trường và đối tác mới cho hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư có thể bù đắp cho những thiệt hại do cạnh tranh chiến lược của Mỹ và EU gây nên.

Và sách lược của Trung Quốc còn là nhanh chóng có những điều chỉnh chính sách liên quan, cần thiết cho bản thân sự phát triển kinh tế xã hội hiện tại ở Trung Quốc lại vừa tác động như "rút củi dưới đáy nồi" trong cuộc cạnh tranh chiến lược hiện tại với Mỹ và EU. Trung Quốc càng có lý do xác đáng, nhu cầu cấp thiết và lợi ích chiến lược với việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện những dự án hợp tác và phát triển đầy tham vọng như "Made in China 2025", "Một vành đai, một con đường" hay các dự án trong khuôn khổ Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á.... cũng như với việc phân hoá nội bộ Mỹ và EU, phân hoá các đối tác khác với Mỹ và EU.

Xung khắc thương mại thuần tuý hay khúc mắc nọ kia trong quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và EU có thể được giải quyết. Nhưng chuyện cạnh tranh chiến lược này sẽ là chuyện dài dài không bao giờ có thể dứt. Nó chỉ có thể giảm bớt mức độ gay cấn và quyết liệt nhất thời mà thôi.

my eu va trung quoc hai lien thu dau mot

Mỹ hiện diện quân sự ở Đài Loan, nỗi sợ lớn nhất của Trung Quốc?

Mỹ và Đài Loan trong những năm qua ngày càng siết chặt quan hệ hợp tác để đối phó Trung Quốc và Đài Loan không ...

my eu va trung quoc hai lien thu dau mot

Italy tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Italy trở thành cường quốc Tây Âu đầu tiên tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng từ năm ...