Lịch sử đen tối của chỉ số IQ và những tranh cãi chưa có hồi kết

Ra đời từ những năm 1900, bài kiểm tra IQ từng được dùng để sàng lọc người kém thông minh trong xã hội và triệt sản cưỡng chế. 

John 12 tuổi, gấp ba lần tuổi em trai. Hỏi John sẽ bao nhiêu tuổi khi tuổi của anh gấp hai lần tuổi em trai?

Hai gia đình đi chơi bowling. Khi đang chơi, họ đặt mua một chiếc bánh pizza giá 12 USD, sáu lon soda với giá 1,25 USD mỗi lon, và hai hộp bỏng ngô lớn với giá 10,86 USD mỗi hộp. Nếu họ chia đôi hóa đơn, mỗi gia đình sẽ phải trả bao nhiêu?

4, 9, 16, 25, 36, ?, 64. Số còn thiếu trong dãy số là gì?

Đây là những câu hỏi từ các bài kiểm tra chỉ số IQ (Intelligence Quotient) nhằm đo lường trí thông minh của bạn, có thể về khả năng ngôn ngữ hay lý luận trừu tượng. Được tạo ra lần đầu tiên cách đây hơn một thế kỷ, các bài kiểm tra IQ vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Các hệ thống giáo dục sử dụng bài kiểm tra IQ để xác định nhóm trẻ phù hợp với chương trình giáo dục tài năng và giáo dục đặc biệt, hỗ trợ các em học tập hiệu quả hơn. Các nhà nghiên cứu ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên xem xét kết quả bài kiểm tra và đánh giá mối tương quan với di truyền, tình trạng kinh tế xã hội, thành tích học tập và chủng tộc.

Bạn có thể làm thử các "câu đố" IQ trực tuyến, từ đó nhận ra mình "có tố chất cần thiết để gia nhập cộng đồng những người có IQ cao nhất thế giới" hay không. Nếu muốn tự hào về chỉ số IQ cao, bạn phải nắm được đáp án cho các câu hỏi trên. Khi John 16 tuổi, tuổi của anh sẽ nhiều gấp đôi tuổi em trai. Mỗi gia đình đi chơi bowling phải trả 20,61 USD. Và 49 là số còn thiếu trong dãy số.

Ý nghĩa của bài kiểm tra IQ là đề tài gây tranh cãi giữa các nhà giáo dục và nhà khoa học trong suốt thời gian dài. Lịch sử đen tối của nó đã gây ra nhiều thiệt thòi cho các cộng đồng thiểu số và thu nhập thấp.

lich su den toi cua chi so iq va nhung tranh cai chua co hoi ket

Thiên tài Albert Einstein được xác định có chỉ số IQ khoảng 160-190. Ảnh: AP

Sự ra đời của bài kiểm tra IQ

Đầu những năm 1900, hàng tá bài kiểm tra trí thông minh đã ra đời ở châu Âu và Mỹ, với mục đích tạo cách thức công bằng để đo lường khả năng nhận thức của một người. Bài kiểm tra đầu tiên trong số này được phát triển bởi nhà tâm lý học Alfred Binet, người được chính phủ Pháp ủy nhiệm để xác định những học sinh gặp nhiều khó khăn nhất ở trường.

Kết quả, thang đo thông minh Binet-Simon năm 1905 (đặt tên theo Alfred Binet và nhà tâm lý Pháp Théodore Simon) đã trở thành nền tảng cho bài kiểm tra IQ hiện đại. Tuy nhiên, bản thân Binet lại tin rằng bài kiểm tra IQ chưa đủ để nói lên một người có thông minh hay không, bởi nó không thể đánh giá chính xác sự sáng tạo hoặc trí tuệ cảm xúc.

Bài kiểm tra IQ cung cấp một cách tương đối nhanh chóng và đơn giản để xác định và phân loại các cá nhân dựa trên trí thông minh - thứ đang được xã hội thời đó đánh giá cao. Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, lực lượng quân đội hay cảnh sát sử dụng bài kiểm tra IQ để sàng lọc ứng viên tiềm năng. Họ cũng xem chỉ số này là một tiêu chí trong hồ sơ xét tuyển.

Các bài kiểm tra Alpha và Beta của quân đội Mỹ đã sàng lọc khoảng 1,75 triệu lính quân dịch trong Thế chiến thứ nhất, dựa trên khí chất của mỗi người về trí tuệ và cảm xúc. Kết quả được sử dụng để xác định khả năng phục vụ của một binh lính trong lực lượng vũ trang, từ đó phân công công việc hoặc vị trí lãnh đạo phù hợp nhất.

Hệ thống giáo dục Mỹ cũng bắt đầu sử dụng các bài kiểm tra IQ để xác định học sinh tài năng và học sinh có nhu cầu đặc biệt để cung cấp môi trường học thuật chuyên biệt.

Điều trớ trêu là một số quận ở Mỹ phải hạn chế mức IQ tối đa cho ứng viên cảnh sát, bởi sợ rằng những người quá thông minh cuối cùng sẽ nghỉ việc vì thấy nhàm chán, tiêu tốn thời gian và nguồn lực đáng kể để đào tạo.

Bên cạnh việc sử dụng rộng rãi các bài kiểm tra IQ trong thế kỷ 20 là quan điểm gây tranh cãi về trí thông minh, cho rằng đặc điểm sinh học ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số này. Những người theo chủ nghĩa vị chủng (cho rằng dân tộc mình là nhất) và theo thuyết ưu sinh (ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số), đã chỉ ra khoảng cách lớn giữa kết quả bài kiểm tra của người da trắng và da màu, giữa nhóm thu nhập cao và thấp.

Một số người khác cho rằng kết quả những bài kiểm tra này là bằng chứng cho thấy các nhóm kinh tế xã hội và chủng tộc khác biệt về mặt di truyền với nhau, và sự bất bình đẳng trên diện rộng chỉ là sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa.

Công cụ cực đoan

Kết quả bài kiểm tra Alpha và Beta của quân đội Mỹ được công khai và phân tích bởi Carl Brigham, nhà tâm lý học của Đại học Princeton và là cha đẻ của tâm lý trắc học. Trong cuốn sách năm 1922 "A Research of American Intelligence" (Nghiên cứu về trí thông minh của người Mỹ), Brigham tuyên bố trí thông minh của người Mỹ đang sụt giảm và gốc rễ của vấn đề là dân nhập cư. Ông kêu gọi sửa đổi chính sách xã hội để hạn chế nhập cư, cấm pha trộn chủng tộc.

Vài năm trước đó, nhà tâm lý học và nghiên cứu giáo dục người Mỹ Lewis Terman đã rút ra mối liên hệ giữa năng lực trí tuệ và chủng tộc. Năm 1916, ông viết: "Sự thiếu hụt về trí tuệ là rất, rất phổ biến trong những gia đình Tây Ban Nha - Ấn Độ, gia đình Mexico thuộc khu vực tây nam hoặc ở cộng đồng người da đen. Sự đần độn của họ có vẻ như xuất phát từ chủng tộc, hoặc ít nhất đó là đặc điểm cố hữu di truyền từ ông bà tổ tiên. Những đứa trẻ thuộc nhóm này nên được cách ly ra nhóm khác. Chúng có thể sẽ không giỏi những vấn đề lý luận trừu tượng nhưng có thể trở thành người lao động chân tay năng suất".

Ngược lại, phe phản đối cho rằng những lập luận trên là thiếu căn cứ và phân tích thống kê không thuyết phục. Tuy nhiên, trong những thời khắc đen tối nhất của quá khứ, các bài kiểm tra IQ đã trở thành công cụ mạnh mẽ để loại trừ và kiểm soát các cộng đồng yếu thế. Những người ủng hộ hệ tư tưởng ưu sinh trong những năm 1900 đã sử dụng các bài kiểm tra IQ để xác định "tên ngốc", "kẻ đần độn" và "người kém thông minh". Họ tin rằng những người này là mối đe dọa khiến gen của người da trắng ở Mỹ bị ảnh hưởng.

Năm 1927, một quyết định tai tiếng của Tòa án Tối cao Mỹ đã hợp pháp hóa việc triệt sản bắt buộc những công dân bị khuyết tật về phát triển và "người kém thông minh", được xác định bởi chỉ số IQ thấp. Quyết định này được gọi là Buck v. Bell, dẫn đến hơn 65.000 trường hợp triệt sản cưỡng chế, chủ yếu là người nghèo hoặc da màu.

Giữa thập niên 1970, các tổ chức như Southern Poverty Law Center bắt đầu thay mặt những người từng bị triệt sản đệ đơn kiện để đòi lại công bằng. Năm 2002, vụ triệt đường con cái liên quan đến chỉ số IQ đã bị xác định là vi hiến. Năm 2015, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu để ủng hộ việc bồi thường cho các nạn nhân còn sống của chương trình triệt sản do chính phủ tài trợ.

Bài kiểm tra IQ ngày nay

Những quan điểm trái chiều về trí thông minh và bài kiểm tra IQ vẫn tiếp diễn. Một số nhà nghiên cứu tin rằng trí thông minh là khái niệm phụ thuộc nền văn hóa cụ thể.

Ví dụ, ở một số quốc gia, ợ hơi có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn rất ngon miệng, có ý nghĩa như lời khen dành cho chủ nhà. Nhưng người dân ở nơi khác có thể xem đó là hành vi bất lịch sự. Tương tự, kiến thức uyên thâm về các loại thảo dược có thể giúp bạn được xem người thông minh ở một số cộng đồng thuộc châu Phi, nhưng không có ý nghĩa tương tự trong văn hóa phương Tây.

lich su den toi cua chi so iq va nhung tranh cai chua co hoi ket

Các bài kiểm tra IQ hiện được dùng để phân loại học sinh có khả năng nhận thức cao. Ảnh: Flickr

Theo một số nhà nghiên cứu, "tính đặc thù văn hóa" của trí thông minh có thể tạo ra sự "thiên vị" đối với những môi trường mà bài kiểm tra IQ phát triển, cụ thể là xã hội phương Tây. Việc áp dụng cùng một bài kiểm tra giữa các cộng đồng khác nhau sẽ không thể đánh giá chính xác các giá trị văn hóa tạo ra khái niệm trí thông minh.

Trong giáo dục, các bài kiểm tra IQ có thể là một cách khách quan hơn để xác định trẻ em có thể hưởng lợi từ các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Học sinh được xác định là có khả năng nhận thức cao sẽ được xếp vào chương trình giáo dục năng khiếu. Dù vậy, số lượng trẻ thuộc cộng đồng thiểu số và sinh ra từ gia đình có thu nhập thấp nằm trong nhóm này còn hạn chế.

Theo cách lựa chọn học sinh cho chương trình giáo dục năng khiếu, trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha thường bị bỏ qua. Một số khu học chánh ở Mỹ dựa trên sự quan sát của giáo viên, giấy giới thiệu của bác sĩ hoặc yêu cầu gia đình đăng ký cho con họ làm bài kiểm tra IQ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy cảm nhận và kỳ vọng của giáo viên về một học sinh có thể tác động đến chỉ số IQ, thành tích học tập, thái độ và hành vi của em đó. Do đó, trẻ có được giới thiệu vào chương trình giáo dục năng khiếu hoặc giáo dục đặc biệt hay không cũng bị ảnh hưởng phần lớn bởi giáo viên.

Trong khi đó, việc sàng lọc phổ quát có thể giúp xác định đứa trẻ không được phụ huynh và giáo viên chú ý. Nhiều khu học chánh cho tất cả học sinh làm bài kiểm tra IQ, nhờ đó xác định nhiều trẻ em đặc biệt đến từ nhóm thiểu số hơn.

Các bài kiểm tra IQ cũng có thể xác định điều kiện bất bình đẳng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Chúng có thể bao gồm tác động của môi trường chứa các chất có hại như chì và asen, hoặc ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến sức khỏe não bộ. Nhờ phát hiện này, các nhà giáo dục và nghiên cứu chính sách xã hội có thể tìm kiếm giải pháp để cải thiện tình hình. Về lâu dài, hiệu quả của giải pháp được theo dõi bằng cách so sánh kết quả bài kiểm tra IQ được thực hiện trên cùng một đứa trẻ trước và sau khi can thiệp.

Kể từ khi được phát minh vào thế kỷ trước, bài kiểm tra IQ đã tạo ra cuộc tranh cãi dai dẳng, chưa có hồi kết. Việc sử dụng bài kiểm tra IQ trong nhiều bối cảnh, sự bất đồng liên tục giữa phe ủng hộ và phản đối đã làm nổi bật giá trị to lớn của trí thông minh đối với xã hội và mong muốn tìm ra công cụ đo lường chính xác chỉ số IQ.

lich su den toi cua chi so iq va nhung tranh cai chua co hoi ket Bé 3 tuổi ở Anh có IQ 171

Bé Ophelia ở Anh bộc lộ trí thông minh khác thường từ khi mới 8 tháng tuổi.