Góc khuất về thế hệ "lạc lối" ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, không có việc làm ở một công ty danh tiếng đồng nghĩa với đó là một thất bại bị xã hội kỳ thị.

 

goc khuat ve the he quotlac loiquot o han quoc

Một phụ nữ đứng trước bảng thông báo tuyển dụng ở Seoul.

Không giống như các quốc gia khác, việc làm ở Hàn Quốc không đơn giản là để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Địa vị xã hội của mỗi người ở quốc gia này sẽ quy định bằng việc bạn làm công việc gì, chức danh ra sao. Bất cứ ai không có được vị trí ở một công ty danh tiếng, đều có thể bị coi là thất bại và phải đón nhận những ánh mắt kỳ thị của xã hội.

Năm nay, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc độ tuổi từ 15 đến 29 hiện ở mức 8%, gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp trung bình của cả nước. Choi Seo-yoon, 31 tuổi, có lẽ là người cảm nhận khó khăn này một cách đầy đủ nhất. Cô tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng ở Seoul nhưng không thể tìm được công việc truyền thông như mong muốn.

Để trang trải cho cuộc sống, Choi làm cộng tác viên cho một tờ báo, giúp một người bạn bán trà chanh và vẽ tranh chân dung để bán. Số tiền cô kiếm được đủ để sinh hoạt qua ngày nhưng nó không đủ cho các kế hoạch tương lai.

"Tôi không có niềm tin rằng mình sẽ kiếm đủ sống về sau này", Choi nói. "Tôi thậm chí không tính trước được mình sẽ kiếm bao nhiêu, tiêu bao nhiêu trong vài tháng tới. Tôi không có thẻ tín dụng để mua trả góp hàng tháng. Có bao nhiêu thì tiêu vậy”.

Năm 2012, sau khi cố gắng chờ hai năm tìm việc ở tòa soạn hoặc đài truyền hình nào đó, Choi từ bỏ và sáng lập tờ tạp chí có tên gọi là Remainders. Tạp chí nói về tất cả mọi thứ từ chính trị, văn hóa cho đến hẹn hò và hôn nhân.

Nhưng sau 18 tháng phát hành, đứa con tinh thần của Choi cũng sớm chết yểu. Cô quyết định đến lúc phải ngừng mơ mộng và tập trung vào kiếm tiền trước mắt qua các việc làm bán thời gian.

Câu chuyện của Choi là ví dụ tiêu biểu cho trào lưu khởi nghiệp của những người trẻ Hàn Quốc. Những công ty, cửa hàng mới sinh sôi nảy nở không ngừng ở Seoul và các thành phố lớn khác, nhưng tất cả nhanh chóng thất bại thảm hại vì sự thiếu nhạy bén trong kinh doanh.

Trong số 228.460 doanh nghiệp thành lập bởi những người ở độ tuổi 15-34 vào năm 2011, chỉ có 23,5% còn tồn tại trong năm năm tiếp theo, theo số liệu sở Thuế quốc gia Hàn Quốc.

Không thể kiếm được việc làm như mong muốn, ngay cả việc làm bán thời gian đôi khi cũng chỉ là cách để nhiều người sống qua ngày. "Ở Hàn Quốc, làm việc bán thời gian có nghĩa là bạn phải làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu", Lee Ga-hyeon, một sinh viên luật 22 tuổi cho biết.

Ngoài giờ đến lớp, cô đi làm thêm ở một cửa hàng McDonald và một tiệm bánh. Làm việc 6 tiếng liên tục mỗi ngày, 5 ngày một tuần, Lee kiếm được 450 USD vào cuối tháng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Ngay cả nhà trọ vài mét vuông cô đang ở cũng đã chiếm tới 200 USD chi phí. Lee nói cô không biết có thể chịu đựng được tình trạng này trong bao lâu nữa.

goc khuat ve the he quotlac loiquot o han quoc

Việc làm ở Hàn Quốc còn ảnh hưởng rất lớn đến địa vị của một người trong xã hội.

Bị mắc kẹt trong cuộc sống thu nhập thấp và ít việc làm, nhiều người trẻ đang vay nợ để sống. Tính trung bình, những người trong độ tuổi 19-31 có khoảng 13 triệu won (khoảng 11.000 USD) tiền nợ trong các ngân hàng hoặc các công ty tài chính của đất nước. Nhiều trong số đó chấp nhận các khoản vay lãi suất cao, chỉ để trả các hóa đơn cá nhân.

"Thế hệ lạc lối" - một thuật ngữ được sử dụng tại Nhật Bản vào cuối những năm 1990 mô tả những người trẻ không tìm được việc làm, đang trở thành một điệp khúc ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc.

Mâu thuẫn trong thị trường việc làm Hàn Quốc còn bắt nguồn từ việc người trẻ phân vân giữa các công việc có sẵn và các công việc họ thực sự mong muốn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra sự chênh lệch rất lớn về tiền lương và địa vị xã hội giữa nhân viên của các chaebol - tập đoàn lớn nổi tiếng - và các nhân viên ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính khoảng cách này khiến cho người tìm việc trẻ ngày nay không thích làm việc ở các công ty quy mô nhỏ.

Sung, quản lý một chi nhánh của tập đoàn SK, cho biết anh sẽ được thưởng cuối năm bằng 50% thu nhập cả năm do công ty làm ăn khấm khá. "Tôi muốn đi hưởng tuần trăng mật ở Italy. Tôi mừng là chọn thời điểm kết hôn đúng lúc công ty đang ăn nên làm ra", anh dự định sẽ dùng khoản tiền thưởng cuối năm để tổ chức đám cưới.

Ở Hàn Quốc, nơi coi trọng địa vị trong xã hội, một người có công ăn việc làm tốt ở những tập đoàn uy tín không chỉ đảm bảo thu nhập cao, mà còn rất cần thiết để tìm kiếm một đối tác hôn nhân lý tưởng.

Để tìm kiếm một cuộc sống ổn định hơn, nhiều người tìm cách xuất ngoại với hy vọng tìm được môi trường thuận lợi hơn để làm việc và sinh sống, chủ yếu là Canada, Đức và Nhật Bản.

Park, 38 tuổi, đầu năm nay đã rời bỏ công việc tại một công ty máy nhỏ ở Seoul để đến Canada và trở thành một đầu bếp sushi. Mặc dù chẳng biết làm món ăn truyền thống của Nhật Bản, anh nghĩ lựa chọn này vẫn tốt hơn ở lại công ty đang đối mặt với phá sản.

Khi ra nước ngoài rồi, Park nhận ra rằng các công ty ở các nước phương Tây đối xử với người lao động tốt hơn nhiều so với ở Hàn Quốc.

"Chính phủ nên xem xét giải quyết việc làm cho thanh niên và thiết lập một mạng lưới an sinh xã hội bằng cách sử dụng nguồn quỹ Nhà nước", Rhee Chang-yong, người đứng đầu bộ phận châu Á -Thái Bình Dương của tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói với các phóng viên Hàn Quốc tại Washington hồi tháng Mười. "Nếu chúng ta không làm gì cả, thế hệ thanh niên trí thức thất nghiệp sẽ còn trở thành gánh nặng kinh khủng hơn trong tương lai”.

goc khuat ve the he quotlac loiquot o han quoc Thế hệ 9X \'táo bạo và liều lĩnh\' đang thay đổi Triều Tiên

Thế hệ sinh ra và lớn lên trong những năm 1990 đang tạo nên con sóng thúc đẩy Triều Tiên thay đổi từ bên trong.

goc khuat ve the he quotlac loiquot o han quoc Ảnh hưởng của Hollywood lên thế hệ Y ở Triều Tiên

Những bộ phim hành động của Hollywood đã khiến một số trẻ em Triều Tiên tìm cách đào tẩu khỏi đất nước.

/ nguoiduatin.vn