Dự án hơn 1.200 ha gây nhiều lo ngại ở vùng biển Quảng Ngãi

Dự án của FLC triển khai ở vùng biển Bình Châu - Lý Sơn khiến các nhà khoa học và người dân lo ngại chồng lấn di sản và mất sinh kế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ chiều 27/4 tiếp xúc cử tri ở các xã ven biển huyện Bình Sơn. Chất vấn ông Chữ, người dân cho rằng họ chưa được công bố thông tin nhưng tỉnh đã ấn định ngày khởi công Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn là "quá vội vàng".

\'Thần tốc\' xúc tiến dự án

Bình Châu - Lý Sơn là vùng biển nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi với nhiều thắng cảnh đẹp như Gành Yến, Mũi Tổng Binh, đảo Bé. Đầu tháng 3, tập đoàn FLC có buổi làm việc với tỉnh để xúc tiến đầu tư ở khu vực trên. Chỉ hơn một tháng sau, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 12 công văn hỏa tốc liên quan.

du an hon 1200 ha gay nhieu lo ngai o vung bien quang ngai

Đảo Bé - Lý Sơn, một trong những thắng cảnh hoang sơ được FLC đề nghị đưa vào dự án. Ảnh: Bùi Thanh Trung.

Ngày 19/4, UBND Quảng Ngãi phát văn bản hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của chủ tịch Trần Ngọc Căng, yêu cầu "cả hệ thống chính trị" đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, tỉnh đã yêu cầu giao mặt bằng sạch để FLC khởi công vào ngày 19/5 tới; xin ý kiến Tỉnh ủy và HĐND ứng trước 500 tỷ đồng để thực hiện bồi thường.

Chỉ đạo của ông Căng gây quan ngại xâm phạm đến đất quốc phòng và bít đường ra biển của ngư dân khi yêu cầu điều chỉnh vị trí đầu tư Đồn Biên phòng Bình Hải; bố trí 8 km một tuyến đường ra biển.

Chỉ tính đất liền, giai đoạn 1 của dự án, hơn 1.200 ha đất thuộc các xã Bình Hòa, Bình Phú, Bình Hải (huyện Bình Sơn) phải thu hồi, giải phóng mặt bằng; hơn 1.100 hộ phải di dời, tái định cư. Trong đó, hơn 184 ha đất trồng lúa, hơn 55 ha đất rừng phòng hộ và một ha đất quốc phòng theo quy định phải xin ý kiến của Chính phủ trước khi chuyển đổi.

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Ngãi, trong khu vực dự án của tập đoàn FLC, hiện còn 9 dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư hoặc cấp phép đầu tư. Trong số đó, nổi bật là Dự án lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận Bình Châu - Lý Sơn là Công viên địa chất toàn cầu. Danh hiệu này được cho là cú hích giúp Quảng Ngãi phát triển bền vững dựa trên việc bảo tồn di sản thiên nhiên, gắn với lợi ích của cộng đồng dân cư.

Ba năm trước, nghị quyết Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh đã xác định việc thực hiện dự án này một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.

Nhà khoa học, người dân lo ngại

Tỉnh Quảng Ngãi trải thảm cho nhà doanh nghiệp nhưng chưa tổ chức họp dân ở các vùng dự án. Tại cánh Đồng Mười, xã Bình Hải, nơi sẽ thành sân golf theo ý tưởng của chủ đầu tư, nhiều người dân đang trồng vụ hành đầu tiên trong năm.

Đang tưới nước cho ruộng hành mới trồng một ngày, bà Nguyễn Thị Hồng nói năm trước Hợp tác xã hỗ trợ giống nhưng năm nay khi có dự án thì không hỗ trợ nữa.

du an hon 1200 ha gay nhieu lo ngai o vung bien quang ngai

Nông dân trồng hành tím ở xã Bình Hải lo không có việc làm khi FLC làm sân golf. Ảnh: Phạm Linh.

Hành tím ở Lý Sơn là nông sản được tiêu thụ mạnh, với 3 vụ mỗi năm, một sào có thể cho thu nhập đến 100 triệu đồng. Bà Hồng có 10 sào đất trồng hành, thu nhập mỗi năm lên đến gần một tỷ đồng. Bà lo lắng, nếu nhà đầu tư lấy mất đất sản xuất, số tiền bồi thường sẽ tiêu tan nhanh chóng khi vợ chồng, con cái không có việc làm.

Xã Bình Hải có khoảng 50 ha hành tím, nhiều người dân cho biết dù được mùa hay mất giá, cuộc sống với họ vẫn dễ chịu với thu nhập khá. Nhiều người lo ngại doanh nghiệp sẽ kiểm soát vùng biển mà người dân đánh bắt tôm cá, ốc, hái rong mơ...

Trong khi đó, ông Đoàn Sung - Giám đốc Công ty Đoàn Ánh Dương (chủ đầu tư dự án Công viên địa chất toàn cầu) cho biết, từ năm 2015, sau khi tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương lập dự án đề nghị Bình Châu - Lý Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, ông đã mời nhiều nhà khoa học trong nước quốc tế về khảo sát.

Các nhà khoa học đánh giá khu vực Bình Châu - Lý Sơn được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước, có địa chất, địa mạo độc đáo và là di sản mang tầm thế giới. Thêm nữa, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi còn là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đề án xây dựng và phát triển công viên địa chất toàn cầu, đặt mục tiêu đến cuối năm 2018 sẽ trình UNESCO công nhận. Ông Đoàn Sung nêu quan điểm, không phản đối việc đầu tư của tập đoàn FLC, nhưng phải hài hòa với việc bảo tồn di sản.

du an hon 1200 ha gay nhieu lo ngai o vung bien quang ngai

Gành Yến, danh thắng nổi tiếng ở huyện Bình Sơn cũng được tỉnh Quảng Ngãi xem xét đưa vào dự án của FLC. Ảnh: Lê Tân.

Tiến sĩ Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, đơn vị được UBND tỉnh Quảng Ngãi ký hợp đồng thuê hỗ trợ khảo sát, lập hồ sơ trình UNESCO cho biết, để được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thì phải có quy hoạch khu du lịch quốc gia được Chính phủ phê duyệt.

"Tiêu chí đầu tiên để được UNESCO công nhận là phải tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân", chuyên gia khẳng định. Ông cho biết, vẫn hoan nghênh nhà đầu tư nhưng việc đầu tư khu lưu trú, du lịch phải được tiến hành sau khi điều tra, khảo sát, khoanh vùng để tránh vùng có di sản. Việc đầu tư của doanh nghiệp phải tham vấn cộng đồng.

Trước việc tỉnh Quảng Ngãi ấn định ngày khởi công cho doanh nghiệp trong vòng một tháng, ông Văn khẳng định một báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án nghiêm túc phải kéo dài cả năm. "Một dự án lớn mà làm trong thời gian ngắn như vậy thì sợ rằng những bước cần thiết chưa được triển khai. Sau này, nếu thấy cơ sở khoa học, pháp lý chưa có thì dở. Bọn tôi chỉ muốn cảnh báo dự án càng lớn thì càng thận trọng", ông Văn nhấn mạnh.

\'Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu\'

Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc huy động "toàn bộ hệ thống chính trị" chủ yếu để hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục và giải phóng mặt bằng theo phần việc của Nhà nước. Tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích, trải thảm cho nhà đầu tư lớn, nếu vuớng mắc thì tư vấn, giúp nhà đầu tư làm nhanh.

Liên quan đến việc điều chỉnh vị trí Đồn Biên phòng, ông Căng cho biết sẽ làm việc với Quân khu 5 và chờ đợi kết quả từ Bộ Quốc phòng. "Các cơ sở của quân đội dự kiến bị tác động từ dự án là trụ sở làm việc chứ không phải đồn quan sát", ông Căng nói.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có ý kiến chỉ đạo loại Gành Yến ra khỏi vùng quy hoạch dự án. Đảng bộ cũng chỉ đạo chính quyền bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tiếp cận với biển; bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của nhà đầu tư nhưng phải đúng quy định Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch huyện Lý Sơn cho biết, đảo Bé cũng đã được loại ra vùng quy hoạch dự án của FLC.

Tiếp xúc với cử trị huyện Bình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho rằng, đến nay tỉnh vẫn chưa có quyết định đầu tư. "Một dự án ra đời phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, trên lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư", ông Chữ nhấn mạnh.

du an hon 1200 ha gay nhieu lo ngai o vung bien quang ngai Quảng Ngãi chưa xin ý kiến Thủ tướng đã ấn định ngày khởi công dự án FLC

Dù chưa có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng chính phủ chuyển đổi hơn 55 ha rừng phòng hộ, 185 ha đất trồng ...

du an hon 1200 ha gay nhieu lo ngai o vung bien quang ngai Cử tri Quảng Ngãi yêu cầu làm rõ dự án quần thể du lịch FLC

Cử tri huyện Bình Sơn yêu cầu đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi làm rõ nhiều vấn đề về đất đai, tái định cư... ...

/ https://vnexpress.net