Đôi bồ câu già của tôi

Bà nội tôi thích tiền. Đó là bà bảo thế, vì đợt tết vừa rồi, con cháu nội ngoại về mừng tuổi, bà đều bảo đúng một câu “tao già rồi, tụi bay cho tờ nào hay tờ ấy, đừng mua bánh trái, tao không ăn được”.

doi bo cau gia cua toi

Chia sẻ

Bà nuôi đàn gà, lần nào bán có tiền cũng dúi vào tay tôi mấy trăm ngàn. Ảnh: Đức Lộc.

Cô bác tôi bảo, bà nói đúng rồi, tiền thì ai chẳng thích, đến bọn trẻ mới biết đi cũng thích tiền cơ mà. Nên, mừng tuổi ông bà cứ tiền là nhất, đứa nào càng hiếu thảo, tiền dúi vào tay ông bà càng nhiều. Anh em tôi tin răm rắp, vì những lần đông đủ, bà cầm trên tay nắm giấy bạc xanh đỏ, mắt bà đều long lanh lắm.

Bà sống cùng ông tôi, uể oải như đôi bồ câu già trong căn nhà gỗ rinh rang. Con cháu nhiều lần khuyên về sống chung, nhưng ông bà một mực từ chối. Bà nói, tao tự lo được cho mình, sống chung mất tự do. Ngày bé tôi đoán, bà muốn sống riêng để cất tiền lì xì, vì ở quê chuyện con cái mượn tiền rồi không trả xảy ra như cơm bữa.

Bốn năm học đại học, lần nào về quê, bà cũng dúi vào tay tôi mấy trăm nghìn. Bà dặn đừng kể với mấy đứa khác, không có cho tụi nó đâu. Bà thương tôi đi học, chẳng có tiền, còn tôi thì đoán trong chiếc túi nylông ngả màu trầu, bà cất nơi đầu giường còn nhiều tờ lắm, nên lần nào cũng nhận.

Rồi tôi ra trường đi làm, thâm tâm lúc nào cũng dặn phải mua cho ông bà chiếc áo mới. Hai năm ba tháng chẵn, tôi lĩnh mấy chục đợt lương, vẫn quên mua. Tết tôi về hỏi o út “bà thích áo màu gì o nhỉ?”, o nói bà khó tính lắm, phải mua áo màu hồng. Tôi cười, người già ai lại thích màu hồng? O lắc đầu, bảo đưa bà tiền cho chắc. Tôi lấy chiếc phong bao thật đẹp, nhét vào mấy tờ xanh đỏ, đưa bà. Mắt bà vẫn long lanh. Chỉ có cái đầu cứ lắc lắc, người rung rung.

Mẹ tôi bảo, vào ở với ông bà một đêm, lâu lắm rồi chẳng đứa cháu nào ngủ lại nhà ông bà. Toàn đứa cháu bận rộn, nhỏ thì học thêm, luyện thi, lớn thì kiếm tiền, mua nhà. Với lại nhiều đứa không thích ở nhà ông bà, cứ có mùi thế nào ấy.

Tôi đánh xe đi chơi suốt ngày mồng hai tết. Tối mới sực nhớ lời mẹ dặn. Lại đánh xe vào nhà ông bà, người tôi toàn mùi rượu. 9g tối, ông bà nằm mà chưa ngủ. Nghe tiếng xe, ông lúi húi bật điện, bà bật thêm chiếc đèn pin hỏi “thằng Lộc hả?”. Tôi dạ thật nhỏ, vì sợ ông bà nghe mùi rượu.

Ông nằm trong cùng, tôi chen giữa, bà nằm ngoài. Mấy chục năm nay vẫn thế, vì ông tôi sợ bóng đè, còn bà thì gan lắm, chẳng sợ gì. Tôi quơ tay, đụng ống chân gầy của bà, nhỏ như cùi tay con nít, ngày thường bà mặc chiếc quần lụa rộng, ai cũng khen bà béo.

Không đợi tôi hỏi, bà bắt đầu kể đủ thứ chuyện. “Ngày xưa, 19 tuổi tao theo ông mày. Chỉ một lần nhìn nhau qua tấm phên nứa là lấy, chẳng yêu chẳng tán tỉnh gì. Mà lúc ấy, ông mày hai mươi, sau là 5 đứa em nheo nhóc. Rồi ông đi bộ đội, năm 1950 đánh Pháp, một lèo ba năm mới về. Khổ hết nước!”

Ông tôi cười nhè nhẹ hình như đang gật gù. Tôi nằm nghe, không dám mở miệng, vì mùi rượu. Bà vẫn kể, giọng rù rì như tiếng bồ câu: “Đợt này, tao hay nằm mơ thấy cha mày về. Mà gặp tao không chào. Hay cha mày hết thương tao rồi”.

Bà lại kể sang chuyện khác, rằng mong trời cho sống thêm vài cục lịch, rồi đột ngột hỏi: “Lịch nhà nước đợt này in lạ nhỉ, toàn viết sự yêu đương, không thấy ca dao, tục ngữ?”. Tôi còn u ơ chưa biết trả lời bà ra sao, đã nghe nửa phía trong cất lên tiếng ngáy “grù grù...”.

Sáng hôm sau, mở máy tính, tôi đặt mua cuốn ca dao tục ngữ Việt Nam cho bà. Chỉ mất có 5 phút và 50 nghìn.

doi bo cau gia cua toi Nam sinh lớp 3 trả 44 triệu nhặt được: \'Ông bà dạy không tham của rơi\'

Nhặt được chiếc ví chứa đầy tiền, Nhựt Nam chạy nhanh về nhà kêu ông bà nội nghe điện thoại đang đổ chuông trong ví ...

/ https://laodong.vn