Đi Tết

1. Chữ lễ Tết dùng trong bài này không phải là "những lễ hội, nghi thức diễn ra trong dịp Tết" mà là "việc tặng quà cho những người có vai vế, địa vị, cao hơn trong gia tộc và trong xã hội" vào các dịp Tết nhứt, lễ lạt.

di tet

Trong tác phẩm "Từ thụ yếu quy" viết bằng chữ Hán vào năm 1867, Đặng Huy Trứ (1825-1874) viết: "Nước ta có tục lệ hàng năm vào dịp Tết nguyên đán, mồng 5 tháng 5, kẻ dưới đều mang sản vật, thổ ngơi đến lễ Tết người trên, cấp dưới Tết cấp trên, dân trong hạt Tết quan quản hạt, học trò Tết thầy, binh lính Tết quản cơ, suất đội… Cái đó gọi là lễ Tết, đã thành tục lệ có từ lâu" (Đặng Huy Trứ, Từ thụ yếu quy - Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan, Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tuấn Khánh dịch. Nxb Pháp lý, 1992, tr.159).

Đặng Huy Trứ quê ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông đỗ đạt và ra làm quan dưới triều Tự Đức (1848-1883), được người đời sau đánh giá là nhà chiến lược quân sự; nhà hoạt động kinh tế năng động, nhà thơ lớn của thế kỷ XIX.

Là một người liêm khiết, chính trực, Đặng Huy Trứ đã đúc rút từ những trải nghiệm thực tế trong quan trường thời Nguyễn và tham khảo trong sách vở Đông Tây kim cổ để định ra một bộ quy tắc về việc từ chối (từ) và tiếp nhận (thụ) quà tặng, gọi là "Từ thụ yếu quy". Theo ông, có đến 104 trường hợp mà người làm quan phải từ chối và chỉ có 5 trường hợp họ có thể nhận quà tặng của người khác.

Lễ Tết là trường hợp đầu tiên mà Đặng Huy Trứ cho là có thể nhận (khả thụ). Nhưng ông cũng dặn dò rằng: "Không nên nhận từ những người coi kho, cai đội các cơ vệ, nha lại tham nhũng, những người lạ, thợ thuyền và con buôn ở phường chợ. Nếu những người này có biếu thì nhất thiết không thể nhận" (Đặng Huy Trứ, sđd, tr.159).

"Từ thụ yếu quy" được Đặng Huy Trứ cho khắc in ở Quảng Đông năm 1868 khi ông có chuyến công cán đến Hương Cảng và Quảng Đông vào các năm 1867-1868, được coi là một cẩm nang về đạo đức công vụ trong quan trường thời Nguyễn.

2. Đặng Huy Trứ xem lễ Tết là một tục lệ có từ xa xưa và là một việc đáng làm. Điều này có lẽ bắt nguồn từ truyền thống tặng quà cho các bậc tôn kính, trưởng thượng; tặng quà cho người thân mà Đặng Huy Trứ chứng kiến lúc đương thời, đặc biệt là ở Huế, nơi mà lễ nghi và văn hóa truyền thống luôn được tôn trọng, giữ gìn.

Vậy thì, người Huế lễ Tết cho ai, khi nào, quà lễ là gì, truyền thống ấy nay có còn duy trì ở xứ Huế hay không?

Thực ra thì người Huế thường dùng chữ đi Tết hơn là chữ lễ Tết có trong sách vở. Chữ đi Tết hàm ý tự mình trực tiếp mang quà đến tặng cho người khác trong những dịp lễ, Tết.

Người Huế thường đi Tết các bậc niên trưởng trong gia tộc, đi Tết thầy, đi Tết thông gia, đi Tết thượng cấp, đi Tết bằng hữu và đặc biệt là đi Tết các sư sãi ở chùa. Tùy vào đối tượng mà quà dùng cho đi Tết và thời gian đi Tết cũng khác nhau. Song, dù đi Tết cho ai, quà Tết là gì thì với người Huế đều xuất phát từ tấm lòng thành và tinh thần vô vụ lợi. Vì thế mà quà đi Tết ở Huế tuy trang trọng nhưng không xa xỉ, phô phang và thường là sản phẩm tự làm, tự chế biến, hiếm khi là quà đi mua.

di tet

Các loại mứt bánh tự làm là những món quà đi Tết phổ biến ở xứ Huế.Ảnh: T.Đ.A.S

Tết nguyên đán là dịp người Huế đi Tết nhiều nhất. Quà đi Tết trong dịp này thường là mứt bánh, trà rượu và các sản vật mà người Huế tự tay nuôi trồng, chế biến.

Ngày trước, dường như người phụ nữ Huế nào cũng giỏi nữ công gia chánh. Họ phải học nấu nướng, học làm mứt bánh từ khi còn nhỏ và Tết là dịp để họ thể hiện tài nghệ khéo léo của mình. Theo truyền thống, mỗi phủ đệ của các vương gia hay mỗi gia đình quyền quý ở Huế đều có những bí kíp làm những món mứt bánh khác nhau. Trong đó có những món mứt bánh đặc biệt để cung tiến nhà vua và hoàng gia, để dâng tặng những bậc tôn trưởng hay để cúng dường ở các chùa chiền. Vì thế mà các bà, các cô đều ra sức học làm mứt bánh, vừa để thể hiện tài nữ công gia chánh của bản thân vừa đáp ứng nhu cầu ẩm thực của gia đình trong những ngày Tết, đồng thời cũng là sự tiếp nối truyền thống gia phong. Nhờ vậy mà mứt bánh ngày Tết ở Huế luôn phong phú, bắt mắt và thường được dùng làm quà để người Huế đi Tết.

Trước Tết chừng một tuần, trong các gian bếp của ngôi nhà Huế đã ngào ngạt mùi thơm của các loại mứt bánh. Có những loại mứt thông thường, xứ nào cũng có, như: mứt gừng, mứt dừa, mứt chanh, mứt quất, mứt cam, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt củ cải, mứt cà rốt, mứt hạt sen, mứt me... Nhưng có những loại mứt đặc biệt, chỉ có ở Huế, như: mứt bát bửu, mứt tứ linh, mứt màu hoa, mứt màu quả, mứt sơn trà..., là những loại mứt mà vua chúa, hoàng thân, quốc thích ưa dùng. Tất cả đều do những đôi tay khéo léo của người phụ nữ Huế làm ra. Cách Tết nguyên đán vài ba ngày, gia chủ bắt đầu chọn những loại mứt thích hợp cho từng đối tượng, bỏ vào hộp giấy cứng, bọc giấy kiếng màu bên ngoài, kèm theo hộp trà ngon mua ở tiệm quen, bắt đầu hành trình lễ Tết - đi Tết.

3. Đầu tiên là đi Tết nơi các phủ thờ, nếu là người thuộc dòng dõi Nguyễn Phước; hoặc là nơi nhà thờ họ, nếu là dân bách tính. Sau khi dâng mứt, bánh, trà lên bàn thờ tổ tiên, họ thắp nén nhang mời các vị "khuất mày, khuất mặt" về vui Tết với con cháu trong dòng tộc.

Kế đến là đi Tết thầy. Hầu như mỗi người Huế đều có những người thầy của riêng mình: thầy dạy chữ, thầy dạy nghề, thầy dạy họ thành người tử tế... Vì thế, họ thường tự tay làm quà Tết để tặng thầy. Đó có thể là những hộp mứt gừng, mứt dừa, là gói bánh thuẫn, bánh in, hay thẩu dưa món, chai rượu nếp quê… Cũng có khi là một cành mai hay một chậu bông hái/trồng từ vườn nhà. Người đi Tết tỏ lòng tri ân người thầy qua những món quà mộc mạc, dân dã nhưng thấm đẫm nghĩa tình. Người thầy hoan hỉ đón nhận và trọng thị tấm chân tình của học trò chứ không phải là giá trị của món quà được tặng.

Tiếp theo là đi Tết thông gia. Người Huế thường đi Tết thông gia vào hai dịp: Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) và Tết nguyên đán. Quà Tết cho thông gia vào dịp Tết Đoan ngọ thường là một cặp vịt còn sống và hai chai rượu. Sau khi nhận quà, nhà thông gia chỉ giữ lại một con vịt và một chai rượu. Con vịt và chai rượu còn lại thì họ biếu lại cho người đi Tết, hàm ý cả hai gia đình sẽ cùng nhau chung hưởng món quà tình nghĩa này. Tuy nhiên, quà đi Tết trong Tết nguyên đán cho thông gia thì chỉ mỗi thứ một món, thường là mứt bánh, rượu trà. Người nhận quà vui vẻ đón nhận tất cả mà không chia lại một nửa cho người tặng như quà Tết Đoan ngọ.

Huế là nơi có nhiều chùa chiền, người Huế gốc phần lớn là Phật tử thuần thành. Vì thế, họ luôn giữ tục đi Tết các sư sãi ở chùa. Quà Tết cho các sư sãi là đồ chay, chủ yếu là các loại mứt bánh, tương chao tự làm hay các loại thực phẩm, nguyên liệu để chế biến món ăn chay, như: phù chúc, mộc nhĩ, nấm hương… Không chỉ các Phật tử đi Tết cho sư sãi mà bản thân các vị tăng ni, nhất là các ni sư ở các chùa sư nữ, cũng làm các loại mứt bánh, thực phẩm chay… để đi Tết các tăng ni tôn trưởng ở những chùa tổ, chùa lớn trong vùng.

Sau cùng là đi Tết cho thượng cấp, bằng hữu và đồng nghiệp. Quà Tết cho những người này thì phong phú hơn, có thể tự làm, có thể mua trên thị trường và thường được lựa chọn cho xứng với sở thích của người được chọn. Với thượng cấp, quà Tết thường là chai rượu ngon, hộp trà hảo hạng hay hộp mứt bánh tự tay làm ra. Với bằng hữu và đồng nghiệp thì món quà không còn mang ý nghĩa lễ Tết hay đi Tết mà đơn giản chỉ là sự chia sẻ, trao tặng những món quà do họ tự làm như thẩu dưa món, lọ mứt me, hũ thịt dầm, chai tương ớt… để bạn bè cùng thưởng thức trong ba ngày Xuân.

Thời thế đổi thay, tục lệ lễ Tết, đi Tết ở xứ Huế nay cũng có biến đổi theo hướng kim tiền. Nhưng với những người Huế vẫn còn giữ được truyền thống, gia phong thì lễ Tết, đi Tết với tâm sáng, lòng thành vẫn là một mỹ tục, một nghĩa cử luôn được duy trì.

Đó là một nét đẹp trong Tết Huế vậy.

di tet Những mẫu thiệp chúc Tết Mậu Tuất 2018 đẹp, ý nghĩa

Gửi cho nhau những tấm thiệp chúc Tết là điều tốt đẹp trong Tết cổ truyền của dân tộc. Dưới đây là những mẫu thiệp ...

di tet Những câu chúc Tết 2018 hài hước giới trẻ ưa thích

Những câu chúc Tết Mậu Tuất 2018 “bá đạo như hạt gạo“ của giới trẻ luôn khiến không khí Tết thêm vui tươi, phấn khởi, ...

/ http://nld.com.vn