Đà Nẵng: Với niềm tin \"thành phố 4 an\"

Dùng mạng xã hội để quản lý đô thị, giao thông, thậm chí còn gây được tiếng vang khi được lòng dân. Thẳng thắn nhìn nhận nhiều khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm, tệ nạn ma túy để buộc các ban ngành cùng vào cuộc tìm giải pháp hợp lý.

da nang voi niem tin thanh pho 4 an
Sông Hàn (Đà Nẵng)

Làm sao cho người dân an tâm từ bó rau, con cá đến ngọn đèn đường hỏng thì phải được thay ngay. Đó là những gì mà Đà Nẵng đang nỗ lực vì một thành phố "4 An".

Nghe ý dân để đô thị đẹp...

Bốn năm kể từ ngày trang Facebook "Quản lý đô thị Đà Nẵng Xanh - Sạch - Đẹp" ra đời, đến nay, chẳng đợi đến những đoàn thanh tra, kiểm tra bởi hơn 55.000 thành viên là công dân thành phố, du khách trong ngoài nước cùng tham gia giám sát.

Từng bãi rác không đúng nơi quy định, điểm tắc đường kẹt xe, đến hàng quán nào chặt chém, không hợp vệ sinh cùng hàng nghìn vấn đề khác được những "cảnh sát công dân" này phản ánh kịp thời mỗi ngày.

Và dưới mỗi phản ánh đó là những góp ý, những đề xuất, trở thành kho tư liệu khổng lồ cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý đô thị.

Sau thời gian hoạt động, đến nay trang Facebook đang có 11 quản trị viên là những cán bộ ở Sở Du lịch, các Chủ tịch quận cũng tham gia để nhận phản ánh. Mỗi tuần, Phỏng Quản lý Đô thị Đà Nẵng đều dành thời gian để trao đổi về những vấn đề người dân đề cập trên trang Facebook.

Sự hiệu quả của việc đưa mạng xã hội vào quản lý gây được tiếng vang ngoài mong đợi. Để rồi, bắt kịp xu thế "lướt" face nhiều hơn là đọc văn bản giấy tờ của người dân, hơn 1 năm qua, Phòng CSGT Đà Nẵng cũng có bước đi táo bạo khi lập trang "Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đà Nẵng" để người dân "mách" những đối tượng tông xe bỏ chạy, vượt đèn đó, đậu đỗ sai quy định, đồng thời phổ biến quy định pháp luật.

Thiếu tá Phạm Hồng Hải - Đội trưởng Đội Tham mưu - Phòng CSGT Đà Nẵng, một trong 7 thành viên của "biệt đội" quản trị trang Facebook cho hay: "Bây giờ người dân có nơi để phán ánh những bức xúc về vấn đề giao thông. Và mọi phản ánh đều được tiếp nhận, kiểm tra, xử lý và phản hồi. Người dân được lắng nghe và người quản lý được nắm bắt tình hình cụ thể nhất, nhanh nhất".

Dạo một vòng trang Facebook của Phòng CSGT Đà Nẵng, sau những hình ảnh, ý kiến về những hành vi sai phạm luật giao thông được người dân đăng tải lên, từ những chiếc xe biển trắng đến biển xanh cũng bị xử phạt khi đỗ ngay trên vạch xe buýt. Anh Hải cũng không quên nhắc, dịp APEC vừa qua, ngày đầu tiên thực hiện cấm đường khiến người dân gặp khó khăn trong việc đi lại.

"Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi, góp ý và nhận ra cách làm lúc đó rất cứng nhắc. Chúng tôi xin ý kiến của lãnh đạo để ngay ngày hôm sau thay đổi cách phân luồng cho phù hợp hơn. Từ đó, người dân di chuyển dễ hơn, cùng hợp tác với lực lượng giao thông để đảm bảo công tác an ninh cho sự kiện quốc tế". Hẳn, phải là chủ trương hợp lòng dân, thiết thực với người dân thì sự tương tác mới đạt được kết quả như vậy.

da nang voi niem tin thanh pho 4 an
Niềm bu ngày xuân mới. Ảnh Lê Tuấn

Đưa "con nghiện" về giảng đường

Để xây dựng một thành phố an bình thì trước hết mỗi gia đình phải ấm êm. Câu chuyện về sinh viên Đặng Văn Lâm (tổ 93, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tại hội nghị tổng kết công tác giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu niên nghiện ma tuý tại nhà khiến nhiều người phấn khởi. Bởi từng lạc lối, bị bắt vì sử dụng ma túy nhưng nay Lâm đang tiếp tục ước mơ của mình ở trường nghề.

"Đang học năm 2 trường Cao đẳng nghề thì em bỏ dở, tụ tập theo bạn bè rồi sa chân vào vào nghiện ngập. Đó là khoản thời gian mà nghĩ đến thôi em vẫn còn sợ", Lâm kể. Lâm bị phạt hành chính, buộc cai nghiện tại nhà. "May mắn là chúng tôi không đơn độc. Nếu chỉ có mẹ thôi thì Lâm không được như ngày hôm nay", mẹ Lâm chia sẻ.

Nói vậy là bởi hơn 2 năm qua, bên cạnh chỗ dựa tinh thần là người mẹ mỗi ngày động viên cai thuốc, Hội Liên hiệp phụ nữ phường An Hải Bắc cũng có mặt, vận động Lâm tham gia học nghề. Như bắt được tia hy vọng quay lại cuộc đời, Lâm đăng kí ngay. Vậy nhưng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại chỉ có mẹ gánh vác, khoản tiền học phí 12 triệu đồng là quá lớn để Lâm thực hiện ước mơ của mình.

Biết được điều đó, chị Trần Thị Minh Hiếu - Chủ tịch Hội LHPN phường An Hải Bắc liền nghĩ cách: "Theo quy định, Hội LHPN TP chỉ hỗ trợ cho mỗi em tối đa là 5 triệu đồng. Tôi đến gặp Chi hội trưởng Hội LHPN thành phố để nói rõ hoàn cảnh của Lâm, may mắn đã mỉm cười khi em được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng nữa".

Đã "thương thì thương cho trót", chị Hiếu vận động chị em trong Hội phụ nữ phường thêm 2 triệu đồng, đủ kinh phí để Lâm được theo học, Hội còn tặng thêm cho Lâm một chiếc xe máy cũ. Từ "con nghiện" nay Lâm là một thanh niên đang theo học nghề sữa chữa ô tô và con đường tương lai rộng mở phía trước.

Đà Nẵng sau 2 năm thực hiện thí điểm cảm hóa, giáo dục, thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma tuý nay đã có 150 em tiến bộ, trong đó 133 em có việc làm ổn định. Hơn một năm Đà Nẵng triển khai chương trình "Thành phố 4 an", thách thức với một đề án làm sao để người dân an tâm từ bữa cơm đến việc di chuyển trên các đoạn đường, mọi người đều có việc làm... là một điều không dễ dàng.

Vậy nhưng, Đà Nẵng vẫn đang đi lên từ những khởi điểm rất nhỏ mà lại rất "được lòng dân". Thậm chí những hoạt động ấy còn gây được tiếng vang như việc chính quyền dùng mạng xã hội để quản lý, nhận góp ý từ nhân dân.

da nang voi niem tin thanh pho 4 an

Hậu trường trong công tác bảo vệ các nguyên thủ tại APEC 2017

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại được tổ chức tại TP. Đà Nẵng đã để lại dấu ấn sâu đậm và tình ...

da nang voi niem tin thanh pho 4 an

Mùng 1 Tết ấm áp, ‎dân Đà Nẵng nô nức đi lễ chùa Linh Ứng Sơn Trà

Từ sáng sớm ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hàng ngàn lượt người đã cùng nhau tới chùa Linh Ứng (bán đảo ...

/ Báo Lao động